Monday, August 31, 2009

Các tiểu xảo của ông đồng bà cốt

Có một người từng nổi tiếng xem chỉ tay tên là Ray Hyman. Anh này thú nhận rằng anh ta không tin tưởng chút nào thuật này dù anh có nhiều khách hàng và được khen ngợi nhiệt liệt. Ban đầu, anh ta nghĩ rằng mình có năng lực siêu nhiên nhưng sau khi nghiền ngẫm và quan sát chính cách xem của mình, anh tự thú là không thể tự lừa dối mình được nữa, những gì anh nói, thật ra là được sự giúp đỡ của chính người được xem.

Có một tiểu xảo thường hay được dùng, đó là “câu” thông tin (fishing for details). Chẳn hạn, có người đến muốn xem về công việc hiện tại, người thầy sẽ không nói vội vào chủ đề đã định mà nói đến những thứ liên quan xung quanh. Người nghe sẽ xác nhận hay phủ định, thậm chí còn kể lể nhiều chuyện và thế là thầy có thể thu thập nhiều thông tin của thân chủ để tiếp tục luận đoán lòng vòng quanh chủ đề chính, và tiếp tục “câu” thêm thông tin. Cái kết quả của quá trình này là thầy nắm được nhiều chi tiết và tâm lý, tính cách của thân chủ còn người được xem có cảm giác thầy “thấu thị” mọi thứ.

Cách câu thông tin này lại liên quan tới 2 kỹ năng. Một là nói những điều mà xác suất thường là đúng hoặc những câu tối nghĩa, hai nghĩa. Kỹ năng thứ hai là đưa ra nhận xét mơ hồ và để cho người được xem điền vào chỗ trống. Dù người xem tự điền vào chổ trống nhưng vẫn cảm thấy thầy đã đoán đúng.

Trong nhiều tài liệu mà tôi đọc được, họ đã đưa ra hàng loạt những câu, đoạn minh họa cho kỹ xảo trên nhưng có điều là trong văn hóa Việt Nam thì nó có vẻ không thuyết phục lắm nên tôi chỉ tạm dịch một trong những đoạn thấy khả dĩ gần nhất (cho người đến hỏi công việc):
“Những người gần gũi với anh đang lợi dụng anh, trong khi anh thì cư xử trung thực với họ. Anh có nhiều thời cơ thăng tiến nhưng vì không muốn lợi dụng hay làm hại ai mà anh không lên nhanh như người ta. Anh thường đọc nhiều sách báo nên có nhiều kiến thức và nhận xét sắc sảo, nếu anh có ý định ra làm riêng thì anh rất nên tiến hành. Anh có khả năng hiểu và thông cảm với người khác rất cao, nhưng không phải lúc nào anh cũng cư xử theo tình cảm vì tính anh rất công bằng và thường làm theo lẽ phải….”
Song hành với những câu trên, người thầy sẽ quan sát và tổng hợp những phản hồi của người nghe từ lời nói, ánh mắt đến chuyển động cơ thể để nói những điều mà thân chủ muốn nghe. Có điều ai cũng biết là khi nghe được những điều mình thích, người ta dễ dàng xác nhận là đúng.

Nhiều thầy chuyên nghiệp, chuẩn bị sẵn cả những “bài nói” hay những “đòn” khác nhau cho nhiều trường hợp khác nhau để lấy uy thế với khách hàng. Thật vậy, những vấn đề mà người ta đến xem thật sự không nhiều: tình duyên gia đạo, công danh, làm ăn, bệnh hoạn, mất của. Tôi nghĩ kể vậy là đã hơi nhiều rồi, thực tế còn gọn hơn. Ví dụ lấy chủ đề tình duyên gia đạo, thật ra không nhiều tình thế cho lắm, có thể chia tiếp chủ đề này ra 4 hay 5 tình thế. Qua phục sức, độ tuổi, nhan sắc, nét mặt và cách ăn nói của người xem, thầy chẳng khó gì đoán được thân chủ của mình đang ở tình thế nào. Có khi không cần nghe câu hỏi mà có thể phán luôn phủ đầu thân chủ.

Ví dụ, bước vào là một bà đứng tuổi ăn mặc sang trọng, trang điểm hơi đậm đà một chút, nét mặt thoáng lo âu, thì chắc chắn là gia đạo có chuyện, hay chí ít cũng nghi ngờ chồng có bồ. Nếu phong cách của bà ta nhanh nhẹn lịch lảm, có thể nói ngay cơ nghiệp do tay bà dựng lên, chồng chỉ lo ăn chơi sinh chuyện. Nếu thấy hơi chậm chạp, ăn nói không mấy trôi chảy, thì là loại nhờ chồng mà sang, đêm ngày lo chồng thay lòng đổi dạ.
Một ví dụ khác: một cô gái gần 30 tới gặp thầy bói lần đầu tiên (thường đi với một cô bạn giới thiệu) và hơi bối rối, không quá u buồn và nhan sắc không quá hấp dẫn, thầy có thể đoán ngay là cô này sốt ruột vì đã cứng tuổi mà chưa có hôn nhân. Nhiều khả năng là cô này quá thông minh so với mức có thể dể kiếm chồng.

Khi đã án chừng như thế, việc đưa ra những lời đoán làm thân chủ “giật mình” và khai tuồng tuột không có gì là khó. Khi thân chủ đã mê mẩn, họ không còn phân biệt đâu là điều thầy đoán được, đâu là điều mà thầy chỉ đơn giản là lặp lại chính điều mà họ khai ra nhưng dưới hình thức khác.

Nhiều thầy bói (thường là khi muốn moi tiền) còn chơi trò “vong nhập”, “vong theo” (haunting) để hù những nữ thân chủ yếu bóng vía. Vào những năm 70, 80, đời sống khó khăn, chăm sóc y tế kém, chuyện có con thứ 3 bị cấm ngặt, việc bỏ thai, hư thai, chết non là rất phổ biến. Người thầy có thể phán bừa là có vong theo, rồi trầm ngâm một lúc hỏi thân chủ “có anh em chết khi nhỏ không” và câu trả lời thường là có. Nếu thân chủ phải xác nhận lại với mẹ mình mà bà mẹ gật đầu thì nữ thí chủ kia phải gọi là “toát mồ hôi lạnh” với tài của thầy. Còn nếu câu trả lời là không thì, còn thiếu gì từ anh em họ cho tới bà cô, bà dì hay ông chú chết trẻ.
Kế theo màn vong nhập, là màn cúng vong hay đuổi vong đi. Thường thì thầy hay nói rằng, “nếu làm nó hài lòng thì nó sẽ đi” nên sau khi xong thủ tục (có khi rất tốn kém), nếu vấn đề thân chủ chưa được giải quyết, thì tại vong chưa thích đi hay “Thôi chết rồi, không phải một mà tới 2!”, còn như vấn đề được giải quyết, thì công thầy quá lớn.

Tương tự như ví dụ trên, có những lời dự đoán tưởng như tài tình nhưng thật ra thì xác suất đúng rất cao. Như có người hỏi “Tôi có thể bị thuyên chuyển, xin thầy coi có chuyển không, cát hung ra sao”. Thay gì chỉ cần trả lời dứt khoát có hay không, cương vị mới tốt hay xấu, thầy lại nói “chi phối anh hiện nay có tới 3 xếp”. Thường thì nhiều cơ quan có 1 trưởng và 2 phó. Nếu chẳng may, công ty có 4 hay 5 xếp thì phải hiểu là mỗi người có mảng việc riêng và cùng liên quan dính dấp thì cũng chỉ có 3 là cùng (như ví dụ này thì một xếp lớn, một xếp bộ phận cho đi, một xếp nữa nhận về). Thế mà, câu này có thể làm cho thân chủ cảm thấy là thầy đoán đúng và khai thêm nhiều chi tiết. Sau khi nắm được thông tin, thầy sẽ nói với nhiều chữ “nếu”, hoặc nói những câu hai nghĩa, khó diễn giải mà hầu như, thế nào thì thầy cũng đúng. Nhiều khi, chuyện rỏ mười mươi, nhưng do là người trong cuộc nên thân chủ không thấy ra, còn thầy thì người ngoài, lại giàu kinh nghiệm sống, chuyện phán đoán chính xác cũng là dể hiểu (trường hợp này đặc biệt đúng trong chuyện tình duyên, gia đạo). Cùng bí quá, thì những người khuất mặt hay những thế lực bên ngoài sẽ được viện đến và cát hung sẽ do họ quyết định, còn thân chủ thì thấy thầy đoán như thần.


Nhiều thầy gặp ai cũng nói là sắp có tiền. Khi người ta có tiền thật thì thấy phục thầy và … hậu tạ, còn như không có hoặc thậm chí mất, có ai tìm thầy yêu cầu chia sẻ tổn thất đâu mà lo.

Ngày trước, trong công ty tôi có nhiều người kéo nhau đi xin bùa bán đất, tức là xin bùa phù hộ cho họ bán được nhà hay đất thật nhanh và được giá (vào thời đô thị hóa nhanh chóng, đất ruộng thành đất thổ cư). Nhiều người suýt xoa khen là cứ xin bùa xong là bán được nhưng kỳ thật, khi người ta phải đi xin bùa thì quyết tâm bán rất cao. Những người bán được thì trở lại khen và hậu tạ, còn những người không bán được, tất nhiên là không đến đứng trước nhà thầy đòi lại tiền vì còn phải lo đi xin bùa của thầy khác.

Phải nói là trong khi nhiều thầy cố ý lừa người ta, thì một số không nhỏ cũng tự lừa dối mình như trường hợp Ray Hyman đã nói ở trên, tưởng rằng mình có năng lực phi thường. Kỳ thật, họ thực hiện những kỹ xảo trên gần như phản xạ, sáng tạo ra nhiều qui luật giải đoán mới mà không biết rằng, khi vận dụng quá nhiều cách giải đoán trái ngược, thì phương pháp mà họ dùng thành ra là luận theo chiều nào cũng được và thân chủ khen ngợi, hài lòng là nhờ những kỹ xảo đã được áp dụng.

Nhiều người email hỏi tôi sao không viết tiếp vì hình như còn nữa (mới nói kỹ xảo số 1). Thật sự, đây chỉ là một phần nhỏ quyển sách tôi đã đọc. Họ còn nói nhiều kỹ xảo nữa mà những kỹ xảo sau thì quá tinh vi, người được xem khó lòng mà phát hiện được thì nói ra cũng chẳng mấy có ích cho họ mà ngược lại, hình như lại có ích cho phía người xem.

Người đi xem số nên ghi chép lại và phân tích ra những thông tin mang tính xác quyết mà thầy đã nói về tương lai rồi kiểm chứng chúng, nếu như muốn xác định xem thầy có thật sự giải đoán chính xác hay không.

Cuối cùng tôi chỉ muốn nói thêm rằng, nếu như người ta có thể đoán đúng những gì đã hay đang diển ra, điều này không có gì đảm bảo là người ta sẽ nói đúng tương lai (cái ta cần). Ngay cả những người làm chủ được những sức mạnh siêu nhiên như liên lạc được với âm binh hay đọc được ý nghĩ người khác, chưa chắc cái sức mạnh đó có thể giúp họ đoán đúng được tương lai dù nó có thể đoán đúng vanh vách quá khứ, vì rằng, tương lai, nó vẫn một phần nằm trong tay ta (tôi tin vậy, dù tôi cũng là người xem lý số).

NHỮNG NGHI NGỜ VỀ KHẢ NĂNG CỦA PHÂN TÍCH CHỮ VIẾT

Thuật xem chữ viết (bao gồm cả chữ ký) đã phát triển lâu đời ở phương tây và có cả hiệp hội những người xem chữ viết trên thế giới.
Thoạt nhìn, xem chữ viết có tính khoa học hơn Horoscope nhiều. Người ta có thể hoài nghi ảnh hưởng của các vì sao tới số mệnh con người và rất nhiều người cùng chia sẻ một bản đồ chiêm tinh trong khi chữ viết thì không ai giống ai và do con người viết ra theo phản xạ tự nhiên.
Đáng tiếc là thực tế không như mong đợi. Ngày càng nhiều ý kiến nghi ngờ tính chính xác của việc phân tích chữ viết, nhiều người ngờ rằng việc khảo sát chữ viết gần như là vô ích. Nó chỉ đáng tin cậy khi cung cấp những thông tin đại khái như giới tính, tâm trạng và sức khỏe (vào thời điểm viết) của người viết. Còn lại thì việc dự đoán cá tính (personality) đã là không đáng tin chứ chưa nói gì đến chuyện tương lai, hậu vận.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người ta có thể chủ động thay đổi chữ viết, ít ra là trong một văn bản ngắn để tạo ấn tượng tốt với người xem, trong trường hợp một số nơi yêu cầu đơn xin việc phải được viết tay.
Người ta còn chỉ ra rằng, khoảng đầu thế kỷ 20, ở Mỹ, mọi người hầu như có chữ viết gần giống nhau do ảnh hưởng của chương trình gọi là “Palmer Method” khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, khắp nơi có những lớp hướng dẫn cải thiện chữ viết và thật đáng ngờ rằng sau khi cải thiện được chữ viết, người ta có thay đổi gì đó bên trong nội tâm. Một số người, làm những nghề như khắc chữ, thủ công mỹ nghệ, trang trí … có khả năng viết nhiều kiểu chữ khác nhau.

Trong luồng chỉ trích tính chính xác của phân tích chữ viết, World Economic Forum đã đưa lên mẫu chữ viết tay được cho là của Tony Blair, vào thời điểm ông này vừa bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng. Nhiều nhà bút tích học danh tiếng đã nhận xét rằng, người có chữ này có xu hướng tự sát và không có khả năng đeo đuổi tới cùng công việc đang làm (ám chỉ có thể mất ghế trước nhiệm kỳ). Sau khi người ta đã nhận xét rất nhiều với xu hướng đại khái như thế, World Economic Forum mới công bố rằng, chữ viết trên thật sự là của Bill Gate, người khó có thể được tin là có xu hướng tự tử và càng khó có thể cho là không theo đuổi nổi công việc của mình đến khi thành đạt.

Người ta còn kể đến chuyện, các chuyên gia hàng đầu về tâm lý của FBI đã nghiên cứu không chỉ chữ viết mà còn nhiều đồ dùng và nhiều thứ liên quan khác của tên tội phạm Ted Kaczynski. Thế nhưng sau khi bắt được hắn, hóa ra những dự đoán của họ đã sai nhiều hơn đúng. Cụ thể là: đoán rằng hắn từ 30 đến 40 nhưng thực tế là 53; cao 5'10" đến 6' nhưng thực tế là hắn cao 5’8”; nặng khoảng 165 pound nhưng thực tế là 143 pound, người ta đoán hắn thuộc giới làm công cao cấp và có bằng đại học trong khi thực tế hắn thất nghiệp suốt 25 năm và có bằng tiến sĩ toán; người ta đoán hắn tỉ mỉ, ngăn nắp, thích đeo đuổi và có vấn đề trong quan hệ với phụ nữ nhưng thực tế hắn bừa bải, bù xù và ẩn dật, không hề liên hệ với nữ.

Những thông tin trên đây được trích rút từ nhiều bài viết khác nhau trên mạng. Tôi tổng hợp lại những ý chính với hy vọng là mọi người có thể tham khảo chứ cá nhân tôi cũng không dám kết luận chắc chắn là môn xem chữ ký chữ viết có giá trị gì hay không. Bản thân tôi cũng từng nghiên cứu thuật phân tích chữ viết.