Saturday, July 25, 2009

Bàn về số mệnh và các phương pháp đoán số

Từ xa xưa người ta đã có khái niệm về số mệnh. Từ khi khoa học phát triển, nhiều người đã phản đối số mệnh kịch liệt. Tuy nhiên, số người tiếp tục tin vào số mệnh không ít, kể cả trong giới trí thức. Chính vì vậy, ở đây tôi xin trình bày quan điểm của mình về số mệnh và điểm qua các phương pháp đoán số để mọi người tham khảo. Tôi rất mong được chỉ giáo thêm.
I- Số mệnh là gì:
Thông thường người tin vào số mệnh cho rằng số mệnh là sự áp đặt trước số phận ( tương lai) mỗi người mà mổi cá nhân khó hoặc không thể thay đổi được. Theo tôi có thể diển đạt vấn đề như sau:
Ta có 1 vật thể bay trong không gian. Vật thể này chịu ảnh hưởng của rất nhiều trường lực. Các trường lực này biến đổi theo 1 qui luật nào đó. Nếu biết được qui luật của các trường lực này và biết thời điểm, vị trí vật thể bay xuất phát, ta có thể tính được quỉ đạo của nó. Qủi đạo này tạm gọi là quỉ đạo qui ước. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây giửa con người và số mệnh so với ví dụ trên là:
- Con người có khả năng sửa đổi chính mình, từ đó sẻ bị ảnh hưởng bởi trường lực này hay khác nhiều hay ít hơn.
- Ý thức được mình đang đi tới đâu và có khả năng thúc đẩy hay chống lại quá trình đó.
- Thật ra con người không đơn độc mà còn tương tác qua lại với rất nhiều người (trong ví dụ trên là các vật thể) khác.
Các cố gắng trên chỉ có tác dụng trong chừng mực. Tuy nhiên, đôi khi chỉ 1 chút xíu lại thay đổi tất cả vì đôi khi lệch khỏi quỉ đạo 1 vài milimét sẻ biến 1 cú va chạm chết người thành 1 vụ va quẹt nhẹ.
Tóm lại trong giả định về số mệnh của tôi có hai điểm mấu chốt:
1. Số mệnh là 1 sự tác động mềm dẻo lên từng cá nhân theo 1 qui luật nào đó mà chúng ta không thể ý thức được trọn vẹn.
2. Trong đời người có những điểm tới hạn (critical). Tại các điểm này, nổ lực cá nhân có vai trò rất lớn.
II- Các phương pháp đoán số và khoa học:
Một bộ phận các nhà khoa học tinh tưởng vào các phương pháp đoán số đã cố tìm cách giải thích các nguyên lý của các phương pháp đoán số bằng khoa học. Ví dụ: Có người đề cập đến trường sinh học và thời sinh học, có người cho rằng Tử vi là 1 cách phân tích tâm lý, có người đã tìm ra cách tính điểm các ngôi sao tại các vị trí khác nhau trên lá số tử vi và cuối củng đã chứng minh được tổng số điểm trên tất cả cac lá số tử vi là 1 hằng số, nhiều người so sánh kinh dịch với hệ nhị phân của máy vi tính …vv.
Theo thiển kiến của tôi thì những khám phá trên tuy rất hay nhưng không đủ chặc chẻ và cũng không nên làm. Chắc hẳn người xưa đã không đi đến các qui luật lý số hoàn toàn bằng thực nghiệm, nghỉa là bằng cách đúc kết kinh nghiệm. Chắc chắn họ đã có hướng tiếp cận khác chúng ta và họ có cách tư duy và phát triển tri thức rất đặc biệt. Đành rằng 2 nền tản học thuật khác nhau cũng có thể đi đến 1 kết quả nhưng tại sau lại cố dùng thuyết này để chứng minh sự đúng đắng của 1 kết quả của một thuyết khác? Theo tôi, chúng ta nên theo cách xưa khi nghiên cứu học thuật của người xưa. Chỉ có điều, cách này đòi hỏi quá nhiều về bản thân người nghiên cứu.
Về phần khoa học, nói cho cùng thì cũng dựa trên các tiền đề. Các tiền đề này thì luôn được chỉnh sửa cho nó khớp với thực nghiệm kỹ thuật. Không nên cho rằng kỹ thuật là thành quả không thể tách rời của các học thuyết khoa học. Mải sau này con người mới biết đến vi khuẩn trong khi kỹ thuật thuộc da, làm rượu bia, ..vv đã có từ xa xưa. Kỹ thuật là hiểu biết của con gnười có tính thực nghiệm. Khoa học theo sau đưa ra các học thuyết. Các học thuyết này đôi khi đã thúc đẩy được kỹ thuật nhưng điều này không đủ chứng minh là các học thuyết ấy đúng hoàn toàn. Lịch sử khoa học đã từng có rất nhiều cuộc lật đổ các học thuyết khác nhau.
III – Bàn về các phương pháp đoán số:
Có 3 nhóm chính:
- Dựa vào thời điểm người sinh ra.( Tử vi, tứ trụ, bát tự…)
- Dựa vào biểu hiện trên chính cơ thể con người. ( Tướng số, xem mạch đốc, chỉ tay…)
- Dưa vào sự ngẩu nhiên ( Mai hoa dịch, độn, bói bài…)
1. Tử vi và các phương pháp thuộc nhóm 1:
Một câu hỏi thường được hỏi là hai người có 2 lá số giống nhau thì có số mệnh giống nhau không? Nếu vây thì tại sau vua chỉ có 1 mà người cùng lá số với vua thì nhiều?
Theo 1 số tài liệu thì với cách tính tử vi thì có tối đa khoảng 500.000 lá số khác nhau. Như vậy, nếu dân số là 75.000.000 người thì ta có số người có cùng 1 lá số là 150 người. Trở lại câu chuyện về vật thể bay, quỉ đạo của nó không chỉ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm mà còn vị trí xuất phát nửa. Người sinh ra trong các gia đình khác nhau, địa phương khác nhau thì vận mệnh cũng khác nhau cho dù có chung lá số.
Cũng có người đã quan sát hai người có cùng lá số và đã thấy họ có những điểm tương tự tại các vận hạn khác nhau. Tuy nhiên, chuyện giống nhau hoàn toàn là không có. Thêm vào đó, như tôi đã nói về điểm tới hạn ( critical), sau những điểm giới hạn này số mệnh hai người có chung lá số có thể rất khác nhau. VD: Thi đại học, điểm chuẩn là 20 điểm. Anh A. trong tình trang khó khăn vẫn rất cố gắng và được 20 điểm. Anh B kém bản lỉnh hơn chỉ được 19.5 điểm. Thế là người đậu, kẻ rớt. Không bàn thêm cũng thấy cuộc đời họ sau đó sẽ khác nhau. Sau nhiều điểm tới hạn như vậy vận mệnh họ sẽ rất rất khác nhau.
Một điểm nửa cần chú ý là tử vi mạnh về định tính hơn định lượng, thế mà như ta biết, lượng đổi thì chất đổi.
Xem tử vi theo tôi có các điểm sau nên chú ý :
- Tư vi phản ảnh quan điểm cổ xưa, khi áp dụng vào thời đại ngày nay cần có cái nhìn thoáng hơn.
- Tử vi phản ánh tương quan giửa người có lá số và sự vật xung quanh, không phải bản thân sự vật. Vi dụ: anh em đâu có cung phụ mẫu giống nhau.

Việc đoán số dựa trên ngày tháng năm dỉ nhiên là phụ thuộc vào cách tính giờ và tính lịch. Môn tử vi là ảnh hưởng nặng nề nhất và ta phải chấp nhận với nhau là có một số lá số không đáng tin cậy:
- Từ khi ra đời đến nay, âm lịch đã qua không dưới 100 lần cải cách. Nếu như nói môn tử vi mà có từ thời Tống là đúng thì xem tử vi có lẽ phải tính lịch theo kiểu Đại thống. Lịch âm mà ta dùng hiện nay là dựa trên cách tính lịch Thời hiến. Nếu đọc “Thời sinh học và khoa học cổ phương đông” sẽ nhận ra rằng những người làm lá số đã nổ lực rất lớn để bù trừ những cái sai khả dỉ có thể có từ việc tính lịch gây ra. Thế thì liệu rằng ngày nay tính lịch chính xác hơn (hay đơn giản là khác đi), các phép bù đó có còn cần không?? Chưa ai nắm chắc nguyên lý của tử vi đến mức dám điều chỉnh cách tính cả. Lưu ý là chỉ cần chỉnh cách tính lịch một chút, hàng nghìn, triệu người sẽ có lá số khác?!
- Như chúng ta biết, múi giờ và giờ là sản phẩm của khoa học hiện đại và giao ước xã hội. Ngày xưa người ta định thời khắc theo cách khác. Ví dụ thấy gà lên chuồng là giờ dậu, cọp quay về nơi ẩn nấp là giờ dần, hoặc nhìn bóng nắng …. Cách tính này phản ánh đúng ảnh hưởng của trời đất lên số mệnh con người khi họ được sinh ra. Ngày nay, chúng ta tính 11g00 là giờ tý, 1g00 là sữu … bất chấp mùa và vùng địa lý … hiển nhiên là có nhiều sai lệch. Có người đã đưa ra gia giảm giờ theo mùa nhưng cơ sở không vững lắm. Nhiều khi cứ hể thấy trời sẩm tối thì lấy giờ dậu mà có khi linh ứng hơn.
- Cụ Thiên Lương chia lá số ra bốn nhóm, Thái tuế, Thiếu dương, Thiếu âm và Tang môn. Tuy tôi không dám bàn ở đây về tính chất mỗi nhóm (dù chưa hoàn toàn đồng ý với cụ Thiên Lương), tôi xin đưa ra nhận xét là những người thuộc nhóm thái tuế là chịu ảnh hưởng bởi tử vi nhiều nhất. Ý tôi là cấp độ chính xác của tử vi đối với 4 nhóm là khác nhau. Người thiếu dương rất rộng đường lựa chọn hướng đi trong khuông khổ vận mệnh của mình, trong khi người thái tuế thì chỉ có một đường thẳng tắp, không ngã rẻ.

Một chuyện cũng ít liên quang nhưng thấy có người đả động đến nên tôi nói qua: Các sao trong tử vi có thật trên bầu trời không? Theo thiển kiến của tôi thì một số sao được đặt theo tên sao trên trời như Tham lang, Bạch hổ nhưng một số khác thì chỉ mang tính ký hiệu, như Thái tuế (đánh dấu vị trí) và Tuế phá là vị trí xung chiếu của Thái tuế. Vấn đề này có thể tham khảo trong bộ sách được vua Càng Long ra lệnh biên soạn và đã được dịch ra tiếng Việt. Đó là bộ sách “Hiệp kỹ biện phương thư”. Tiếc là bản dịch không tốt lắm. Và như thế, các sao trong tử ci nặng tính ký hiệu hơn là sao thật.

Xem số theo hà lạc thì ít bị vấn đề ngày giờ âm lịch hơn, nhưng không phải là không có. Thế mạnh của phương pháp này là cho người ta biết mình nên làm gì. Tử vi nói “sẽ là …. “ trong khi BTHL nói “nên là ….”. Ví dụ có người tuế vận là “Thiên hỏa đồng nhân”, hào 2. Hào này nghĩa là chỉ giao du hạn hẹp trong bà, con anh em nên sẽ gặp khó khăn về sau. Nếu như đương số cố gắng mở rộng quan hệ, dung nạp người ngoài thì rỏ ràng sẽ giảm thiểu những khó khăn sau này. Trong nhiều trường hợp, cần nghiên cứu đại tượng (chính quẻ) để hiểu rỏ vì sao mà đương số nói trên rơi vào thế chỉ giao du với người nhà, từ đó, có thể điều chỉnh ngay trước khi đi vào tuế vận đó, như vậy sẽ tốt hơn nhiều.

Việc lấy tuế vận có một điểm không rỏ ràng là tuế vận đầu tiên (1 tuồi) là tính từ lúc nào? Tính từ ngày sinh hay tính từ mồng một tháng một năm được sinh ra? Theo nguyên tắc khi gieo quẻ, nếu nói “3 tháng nữa việc sẽ thành” thì tức là tính từ lúc gieo quẻ. Nếu cùng nguyên tắc này thì có thể nói là tính từ ngày sinh. Nhưng như vậy thì khác xa với tử vi và các phép bói theo ngày giờ khác, vốn tính theo từng năm âm lịch. Tôi thì thiên về ý tính từ ngày sinh hơn, có vị nào có lý luận chính xác hơn thì xin chỉ giáo, tôi hết sức cảm kích.

Ngoài ra, như khi xem mai hoa hay bốc dịch, thời thần và nguyệt thần rất được coi trọng nhưng xem bát tự thì chỉ xét thời thần và nguyệt thần trong chính và biến quẻ mà thôi, còn các đại, tiểu vận thì sao? Tương quan giữa nạp âm và ngũ hành của các quẻ trong đại vận và niên vận cũng vậy, có xét không? Và mạnh đến mức nào? Theo kinh nghiệm cá nhân tôi thì ảnh hưởng này là rất lớn. Lý do sẽ bàn trong mục 3, khi nói về bói dịch.
Vấn đề lớn nhất của các phép bói toán liên quang đến kinh dịch là phải biết Dịch lý và lý số. Nhiều nhà nghiên cứu còn đòi thay đổi vị trí các đơn quái trên vòng tròn bát quái, tôi thấy thật quá bạo phổi. Nếu họ hiểu rõ lý số thì chắc sẽ không nghĩ như vậy. Tóm lại, đã có người từng nói: “Nghiên cứu Dịch mà hiểu được dịch lý thì như thần tiên, nghiên cứu mà không hiểu thì có khi thành quỉ. Xưa nay tiên thì ít mà quỉ thì nhiều vô kể”.
Vì xét hết các môn thì quá dài dòng, trong hai mục kế đầy tôi chỉ xét một môn tiêu biểu cho cả nhóm.
2. Tướng số:
Có thể thấy tướng số là phương pháp dễ thuuyết phục người ta nhất. Nó dựa đúng vào những biểu hiện của cơ thể người mà luận đoán. Tuy nhiên, đi sâu vào thì thấy không phải là ngon ăn vì rằng như nhiều người nói hình thể học như mũi, mắt, tai … chỉ là phần rất sơ đẳng và kém chính xác.

Để cho dễ vận dụng, có sách đã có lời nhắc, chủ yếu cố gắng chọn những cái nhận xét tương đối dễ và giống đời thường (tục nhản) như sau:
- Cơ bản nhất là xương cốt. Khung xương mà cân đối, đẹp và mạnh mẽ là nền tản tốt. Nếu thấy mấy từ “cân đối, đẹp và mạnh mẽ” mơ hồ quá thì cứ xem bộ răng. Răng tốt hay xấu thì dễ biết rồi.
- Kế là huyết mạch mà biểu hiện là da thịt. Da thịt hồng hào, mịn màng thì tốt. Cũng tương tư, nếu thấy khó nhận biết quá thì hảy tập chú vào tóc, râu, lông mài. Nếu thấy mượt mà, nhiều thì từ khá trở lên. (Ngày nay kỹ thuật làm đẹp cao quá nên đoạn này cũng chưa chắc dùng được).
- Trên cùng là khí, là thần: Đoạn này thì vô cùng khó với những người mới học. Chỉ còn trông cậy vào tiếng nói và cách hít thở, dáng đi. Việc xem cái thần toát ra từ một người thật sự không dễ nếu chính bản thân người xem không phải là người có tinh thần mạnh mẽ và thanh tịnh.
Cuối cùng mới đến các chi tiết trên mặt mũi … Các bộ vị này có đẹp mà các nền tản kia yếu kém thì cũng không phát huy được. Thế mà có nhiều người cứ mong sửa mũi, cắt mắt để số tốt hơn !?

Và điều còn khó chịu hơn nữa là khí huyết, thần thái cũng có thể thay đổi theo thời gian làm cho việc dự đoán 5 hay 10 năm tời trở thành khó khăn.

Có một kỹ thuật có thể giúp ích rất nhiều cho việc xem tướng, đó là “Ngôn ngữ cơ thể” của khoa học hiện đại. Môn này chủ yếu quang sát cử chỉ của người đối thoại mà đoán thái độ của họ đối với chuyện mình đang nói. Một cuốn sách về đề tài này đã được dịch ra tiếng Việt. Đó là quyển “Ngôn ngữ của cử chỉ”. Vì là sách của phương tây nên rỏ ràng dễ hiểu, dễ học, rất có ít mà là cầu nối để người ta tiếp cận học được cách quang sát thần thái theo kiểu phương đông.

3. Bói dịch:
Phương tây ngày nay có nhiều ngành khoa học dính dáng đến ngẫu nhiên. Người Nga có cả một môn khoa học nghiên cứu về sự ngẫu nhiên. Trong ngành nhiệt động lực học, khí tượng học, người ta phát biểu rất nhiều định luật về ngẫu nhiên, ví dụ như khi mà mọi cái hỗn độn, muốn xếp nó lại theo một qui luật nào đó thì cần phải tốn năng lượng. Từ trật tự mà chuyển sang hổn độn thì sẽ giải phóng năng lượng. Cả trái đất là hệ năng lượng, mọi thứ ảnh hưởng liên động, chỉ cần một con bướm trong rừng vỗ cánh mạnh hơn một tí thì thay gì có gió nhẹ ở Thái bình dương, ta sẽ có một trận bão. Tóm lại, khi nghiên cứu ngẫu nhiên đến mức nào đó, người ta đi dần đến nhận định là không có gì là ngẫu nhiên !?
Chính vì có sự liên lạc như vậy mà có những phép bói như bốc dịch, mai hoa … chủ yếu dựa vào ngẫu họp.
Nói đến Kinh Dịch thì phải rất thận trọng. Khổng tử ngày xưa đọc đến kết lại sách 3 lần mà vẫn còn do dự (“Đời sau khen ta cũng vì bộ sách này, mà chê ta cũng vì bộ sách này”). Thế nên ý nghĩa cao thâm của Dịch thật không dám bàn, ở đây chỉ bàn chuyện dùng dịch để bói thôi:
- Trong quyển “Trung Quốc triết học” của Lưu Úy Hoa có một thống kê rất hay. Đó là thống kê các hào từ trong 64 quẻ dịch. Trong đó Đại cát, Nguyên cát có 21 hào tức chiếm 4%. Hanh, Lợi có 103 hào tức 19%, Cát Tường có 125 hào, chiếm 24%, Vô cữu, vô hối có 124 hào chiếm 24%, Hối, Lận, Cữu có 65 hào chiếm 12%, Hung Lệ có 56 và 27 hào chiếm 11 và 6%. Tóm lại, từ trung bình đến rất tốt chiếm đến 71%, còn xấu và rất xấu chỉ có 29%. Như vậy phải chăng là bói dịch thì sẽ gặp tốt nhiều hơn xấu? Như trên đã nói, đại tượng rất quan trọng, nó chỉ cho chúng ta đang ở thời nào, hào từ chỉ chúng ta đang ở vị nào. Tùy theo đó mà hành động thì có tới trên 71% là từ vô cữu (không có lỗi) và vô hối (không hối hận) trở lên. Chỉ có điều người xem phải rất tinh thông dịch lý chứ không thì xác suất sai lầm là rất lớn. Bản thân việc hành động theo đúng lời khuyên của Dịch cũng chẳng dễ gì.
- Phương pháp xem dựa vào ngũ hành sinh khắc cũng có cái hay là dễ dàng, chỉ xếp các đơn quái ra, kết họp với nhật, nguyệt thần xem dụng hay thể thắng thế là xong. Khuyết điểm của nó là cho ra kết quả rỏ ràng dứt khoát quá mà trong đời thiếu gì chuyện như “tái ông thất mả”, hay dỡ đi kèm, làm sao mà dứt khoát tốt hay xấu được. Vậy nên việc chỉ dựa vào ngũ hành xem ra rất không chắc chắn và không hết cái lẽ uyên thâm của dịch.
- Đã vậy, nhiều người vận dụng thuyết ngũ hành rất không đúng. Ví dụ: ông xếp nọ mạng thủy, khi tuyển nhân viên thì cứ ưu tiên chọn người mạng kim. Trong nhà thì vợ cứ vác hết ti vi, đầu máy … đặt ngay giữa phòng khách vì cho rằng những vật này thuộc hành kim, mà kim thì sinh thủy. Thật ra thì âm dương vận hành, ngũ hành phải cân bằng hài hòa mới tốt, ngay như kim với kim thì va chạm không tránh khỏi trầy sướt, thủy với thủy thì là Khảm, tất hung, hỏa với hỏa thì là lửa cháy ngất trời… không có gì là hay (quẻ Ly cũng không hẳn là tốt vì sáng tới cùng là tới lúc tối dần).
Còn chuyện cho rằng tivi và máy nghe nhạc là hành kim thì càng sai. Những vật này phát ra âm thanh, cố nhiên là thuộc quẻ chấn, tất là hành mộc. Chỉ khi nào bị ti vi hay cái loa bằng sắt rơi trúng đầu thì đó mới là hành kim.
- Có nhiều thầy thường bắt thân chủ rửa tay, rửa mặt, thắp hương trước khi gieo quẻ. Thật sự thì cũng không cần thiết lắm, cái chính là gieo quẻ cho người hay cho mình cũng vậy, phải để tinh thần tỉnh tại, tập trung cho nguồn năng lượng nội tại liên thông với bên ngoài thì gieo quẻ sẽ sát và dễ đoán hớn. Nhiều người tâm thần rối loạn, gieo một quẻ mà đến 3, 4 hào động thì thật khó cho việc luận giải.
- Việc an thần sát (Câu trần, Châu tướt, Thanh long … ) và an lục thân (Huynh đệ, Thê tài, ….) hoặc tìm phi thần, phục thần … có ích trong nhiều trường họp nhưng không phải lúc nào cũng cần. Chú ý một lúc quá nhiều yếu tố nhiều khi làm rối trí. Tuy vậy, thế hào và không vong thì phải xét, sách có câu “Thế hào vượng tướng tối vi cường”.
Trên đây là mấy ý kiến thô thiển, xin các vị huynh trưởng chỉ giáo nhiều. Vì tôi ít khi ghé thăm diễn đàn, có gì chỉ dạy, xin cứ mail thẳng cho tôi nếu điều đó không vi phạm nội qui của diễn đàng.

Về phật giáo

Ngày tết lại nhớ đến chuyện đi chùa và phật giáo. Vài lần trên forum có đả động đến phật học, mọi người tranh luận khá gay gắt, nhiều người còn nổi giận trái hẳn với tinh thần ôn hòa và nhẫn nhịn của nhà phật.
Tại sao có chuyện như vậy? Dù sao thì phật giáo cũng vào Việt nam cả nghìn năm rồi mà sao lại có những khác biệt lớn như vậy trong hiểu biết của mỗi người? Dưới đây tôi xin trình bày kiến giải của mình về hiện tượng này với hy vọng là người ta sẽ đỡ ngạc nhiên khi nghe ý kiến của người khác và đỡ gay gắt hơn khi tranh luận.
Đức phật đi thuyết pháp khoảng 2500 trước mà cố ý không để lại văn tự. Phật cho rằng “làm theo lời ta nói các người sẽ đến được đạo, nhưng lời của ta không phải là đạo”. Đã vậy, trước khi chết phật còn từ chối chỉ định người thay thế lãnh đạo tăng già và nói rằng những điều luật trước đây, nếu hội đồng tăng già thấy cần thì có thể thay đổi (Một trong những lời cuối cùng của phật: “Tất cả sự vật duyên hợp đều phải thay đổi; các con hãy chuyên cần để đạt giải thoát”) và mỗi người phải tự thấp đuốc lên mà chiếu sáng con đường của mình.
Chính vì những lẽ này, ngay đại hội lần đầu tiên sau khi phật nhập diệt mà mục đích chính là ghi lại giáo lý của phật thành sách, đã có nhiều ý kiến muốn thay đổi một số điều nhưng người có uy tín nhất thời đó là Ma-ha Ca-díp không đồng ý. Trong khoảng 600 năm sau đó, có vài đại hội tăng già nữa và các vị ấy đã bất đồng nhau sâu sắc.
Một nhóm chỉ muốn xem những gì phật nói là đã đủ và không cần thay đổi hay bổ sung gì thêm trong khi nhóm kia thì muốn phát triển thêm triết lý của phật và sửa đổi một số điều cho phù hợp với sự thay đổi của thời thế.
Nguyên nhân của đòi hỏi thay đổi là rất rõ ràng và cấp bách: theo đúng tinh thần của phật, mỗi người phải tự đi con đường của mình đến giải thoát, không ai giúp được cho ai hay “độ” được ai. Điều này làm cho việc truyền đạo và phát triển đạo thành quá khó. Nguyên nhân là số người có thể hiểu lời dạy của phật và tự tu thân quá ít, đa phần người ta đến với tôn giáo là do yếu đuối và cần nơi nương tựa tinh thần.
Chính vì lý do này mà phái canh tân (gọi là đại thừa hay bắc tông, còn phái kia là tiểu thừa hay nam tông) mới đưa ra khái niệm bồ tát, tức là những người có khả năng cứu độ, dẫn dắt người khác. Đồng thời, người theo đạo cũng không cần hiểu hết giáo lý của phật mà có thể thông qua một số nghi thức và giới luật mà … tiến từ từ theo dẫn dắt của chư tăng và … bồ tát!
Phái bắc tông phát triển mạnh và từ khoảng thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ năm sau công nguyên đã phát triển một nền triết học phật giáo đồ sộ. Các vị được coi là tổ của đại thừa như là Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân có vẻ như là những triết gia hơn là những nhà sư. Nhìn chung, những triết lý này, khó đọc, khó hiểu và nếu hiểu, chắc chắn nhiều người phải ngỡ ngàng vì tính triết lý nặng nề của nó. Nhiều khi thoạt nghe, người ta cứ tưởng đấy là triết học Hy-La. Rồi chính trong đại thừa cũng chia ra nhiều nhánh và mâu thuẫn nhau không ít. Trong số đó, hai nhánh bị xem là đi xa ra khỏi học thuyết của phật nhất là Thiền Tông và Kim Cương Thừa, lại trái ngược nhau nhất.
Ở Việt nam thì bắc tông từ TQ truyền xuống, nam tông thì từ phía tây nam truyền qua nên có cả hai dù nam tông ít phổ biến hơn.
Nam tông, tức phật giáo nguyên thủy hay còn gọi là tiểu thừa thì bám chắc vào những gì được ghi lại trong đại hội tăng già đầu tiên và theo đó mà tu tập. Họ không ăn chay. Tôi có dịp tiếp xúc nhiều với những vị tu theo tiểu thừa. Nhiều lần tôi hỏi họ tại sao không ăn chay nhưng ít khi họ trả lời một cách hàn lâm. Thường thì họ nói với một nụ cười “Tôi đố anh tìm được trong kinh điển của phật chỗ nào nói là cấm ăn thịt cá. Thậm chí không có từ ăn chay”. Tất nhiên là tôi không tìm được vì biết cái nào là kinh điển chắc chắn của phật. Có vị đưa ra một dữ kiện là vào thời đó, nhiều vùng của Ấn độ vẫn còn du mục mà thực phẩm chính là thịt và sữa, ngủ cốc rất hiếm. Mà đã khất thực thì người ta cho gì ăn nấy chứ. Dù cái lý này khá thuyết phục về mặt lịch sử nhưng rõ ràng trong xã hội của ta hiện nay, ăn mặn là khuyến khích sát sinh, mà cấm sát sinh thì không thể chối cãi là một giới rất nghiêm trong phật giáo. Một vài vị khác thì đưa ra lời phản bát đại khái là “thà ăn cái đùi gà mà tâm nghĩ là cái bắp cải còn hơn là miệng ăn chay mà tâm thì tưởng đến nào thịt quay, tôm, cá …”. Câu này nhằm chỉ trích thói quen hay làm các món chay nháy theo các món mặn của bên bắc tông (vào quán cơm chay là có đủ cả heo bò gà cá … làm giả từ ngũ cốc và thảo mộc). Tuy ý này rất tốt để phản bác bắc tông nhưng nói cho cùng nếu ăn bắp cải thì vẫn tốt hơn đùi gà vì như vậy sẽ đỡ sát sinh hơn. Ngoài ra, có một lý do không kém phần quan trọng để người tu hành phải ăn chay là “thực nhục dã dũng hản”, ăn thịt thì khí huyết bừng bừng, khó giữ giới hơn nhiều.
Đã vậy, theo giáo lý của nam tông, tuy không phải ăn chay nhưng chỉ được ăn một buổi vào giữa trưa mà thôi. Thực tế, nhiều nhà sư ăn cả ba buổi.
Kinh văn của nam tông, như nói ở trên là kinh cổ, khó đọc hơn những bài kệ có vần có điệu của bắc tông nhiều nên nhiều sư “ăn cơm nam đọc kinh bắc” hoặc đọc kinh mà không nhớ và không hiểu gì.
Bắc tông, tức đại thừa thì chẳng những phát triển nhiều triết lý mà còn nhiều truyện thần thoại và nhất là dung nạp rất nhiều tính ngưỡng bản địa vào phật giáo. Tam giáo đồng nguyên ở TQ là một ví dụ.
Câu chuyện được những tu sĩ bắc tông nhắc đến nhiều là chuyện đức phật thuyết phục em mình, là một vị hoàng tử đi tu khi sắp cưới vợ. Phật đã dùng thần thông đưa ông này vào cõi trời rồi hỏi ông: so với những tiên nữ thì nhan sắc vợ sắp cưới của ông ra sao. Ông này nói “chẳng khác nào bộ xương của con khỉ già”. Đức phật nói nếu ông chuyên cần tu tập thì sẽ có cơ hội tiếp cận các tiên nữ. Thế là từ đó, ông chuyên tâm tu học, đắc quả A-la-hán và tất nhiên không còn muốn cưới tiên nữ nữa.
Cái ý trong chuyện này là, tuy tham ái là nguồn gốc của khổ nhưng có thể dùng tham ái để dẫn dụ người ta vào đường tu. Khi người ta giác ngộ, tất nhiên sẽ không còn tham ái nữa. Ý tưởng thì như vậy, nhưng khi đem ra thực hành thì có nhiều ngộ nhận và sai lạc. Thế nên Nguyễn Hiến Lê trong quyển lịch sử thế giới, đã viết đoạn sau khi nói về đạo phật:
“Sau đạo càng ngày càng truyền đi càng sai lạc, thành một tôn giáo: người ta lập chùa, tô tượng, đúc chuông, đặt ra các chức hòa thượng, yết ma …! Giáo lý của Thích ca đã ít người thuộc, mà tới tượng của Thích ca cũng ít người biết tới, còn tượng Quan Âm, một nhân vật tưởng tượng thì rất được sùng bái. Thật ngược đời. Đáng nực cười nhất là có kẻ bỏ tiền ra thêu một ngọn cờ, treo ở chùa và tin rằng mỗi lần cờ phất trong gió là tụng được một bài kinh mà tụng được ‘vạn bài kinh’ như vậy, là được lên Nát bàn!”. Nhiều người hiện nay, đúng là không chú ý gì tới giáo lý, chỉ tin tưởng càng tạo nhiều công đức thì càng được phát tài và có tội, có nạn thì chỉ việc đi cầu bồ tát.
Trong khi cái phần truyền ra cho các tín đồ thì thô thiển như vậy, nhưng các vị cao tăng đại thừa thì triết lý hết sức thâm sâu. Và, vì triết lý dữ quá, nên không tránh khỏi nhiều chỗ kẹt và mâu thuẫn giữa các phái với nhau (thế mới hiểu tại sao phật chỉ nói đến thế thôi, không nói thêm). Ví dụ: trường phái duy tâm cho rằng, vì có cái nhiều nên mới có cái duy nhất, vì có cái hữu hạn nên mới có thể bàn về vô hạn, vì có khổ đau nên mới có niết bàn. Tất cả là do tâm phân biệt, biện giải mà ra. Cái nhìn tuyệt đối vượt trên cái tương đối là không có dài ngắn, tốt xấu, trần gian hay niết bàn cũng không có nốt. Các vị này nói nhiều về giấc mơ. Như khi nằm mơ, ta thấy cảnh nhà cháy lửa bén tới nơi, ta vật vả hoảng hốt, nhưng khi tỉnh mộng, ta biết đó chỉ là tạo tác của tâm và ta không còn hoảng sợ nữa. Phát triển đến đây, thì vấn đề là nếu tất cả là tâm tạo, cả chúng sinh đau khổ và niết bàn cũng là tâm tạo, thì cần gì đến bồ tát phải động lòng và cứu độ nữa? Họ lại lấy tiếp ví dụ là giấc mơ: Nếu ta trông thấy người bạn cùng giường đang mơ giấc mơ dữ, vật vả, la hét, ta biết rằng những điều mà họ đang thấy là không thật, nhưng cái đau khổ mà họ đang trải qua là thật, nên ta phải đánh thức họ dậy. Theo tôi thì lập luận như vậy cũng không xuôi, vì cái không thật và do tâm tạo chính là cái con người đang nằm mơ kia, nếu kẻ đang nằm mơ vật vả trước mắt ta là không thật, thì tại sao ta phải từ bỏ cái thanh tịnh của mình để quay lại làm bồ tát và đánh thức họ khỏi cơn mê?
Một chủ đề tranh cải triền miên giữa các phái là “Thức”, một trong Ngủ Uẩn. Những vị theo kinh điển xưa thì cho rằng Thức cũng do nhân duyên dã họp mà thành, không đóng vai trò gì trong luân hồi và tái sinh. Họ dẫn câu chuyên sau:
Một đệ tử phật là Sàti cho rằng: “Đấy (Thức) là cái diễn đạt, cảm giác và kinh nghiệm kết quả của những hành động thiện ác chỗ này chỗ kia”. Vị này liền bị phật quở trách: “Này kẻ ngu kia, người đã nghe ta giảng kiểu ấy cho ai vậy? Há ta không nhiều phen giải thích rằng do các duyên, thức sinh khởi, không có các duyên thì không có thức sinh khởi hay sao?”. Như vậy, phái này cho là phật phủ nhận thức có lưu giữ và là kết quả của nghiệp; Do duyên mà nó sinh khởi và diệt khi duyên dứt.
Thế mà, trong nhiều kinh sách của thiền tông và Kim cang thừa, thức đóng vai trò hết sức quan trọng, họ còn du nhập thuyết về Bát thức vốn có trong các truyền thống tôn giáo trước phật (mà sau này phát triển thành Hindu giáo): Trong Bát thức có A-lai-da thức, lưu trữ tất cả và tạo nên nghiệp lực, tái sinh và luân hồi.
Cùng là đại thừa, trong khi thiền tông thì không câu chấp nghi thức, chủ yếu là đạt được tâm an tịnh, bằng cách ngồi thiền hay bằng con đường thức tỉnh, sống trong từng hơi thở, thì kim cang thừa có qui trình tu tập cực kỳ phức tạp bao gồm nhiều nghi thức, hình tượng và bùa chú. Cách tu của Kim cang thừa phức tạp đến mức, tôi nghĩ rằng chỉ có những vùng hoang vu như quanh Hy mả lạp sơn mới thực hiện được mà thôi. Vậy mà hai trường phái này đều cho là mình thực hành “Trung đạo”.
Tóm lại, vì phật không muốn sa đà vào triết lý và giáo điều khô cằn mà chỉ chú tâm chửa các “con bệnh”, tùy “con bệnh”, phật đã không để lại một văn tự nào. Sau đó, các vị tăng tự “thấp đuốc” lên đi và nhân tiện cho ra vô số kinh sách. Những kinh sách này mâu thuẫn và phản bát lẫn nhau. Phần chính kinh đã thế, phần truyền ra cho quần chúng còn sai lạc hơn nữa. Đó là chưa kể những sách nữa truyện, nữa đạo như “Hành trình về phương đông”, “Đường xưa mây trắng” …. Cũng góp phần không nhỏ tạo nhiều hiểu lầm và sai lệch.
Nếu chúng ta thấy ngưỡng mộ lý tưởng từ bị và tinh thần minh triết của phật giáo thì một lần nữa chúng ta cũng phải tự đốt đuốc lên mà đi thôi, và tất nhiên, mỗi người sẽ tìm thấy con đường khác nhau, có thể không thuyết phục được ai nhưng nó phù hợp cho chính mình.

(Viết tiếp ngày 27/05/2009)
Trong bài viết lần trước tôi thấy mọi người ít quan tâm đến những khác biệt quan trọng giữa hai hệ phái chính của phật giáo mà quan tâm nhiều đến chuyện ăn chay hay ăn mặn. Sau đây, tôi xin đưa ra 2 trích dẫn trái ngược nhau về vấn đề này như là ví dụ cho chuyện tranh cải không dứt này:

Theo "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy", Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch, Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ, 1996:

“Trong phần nói về thực phẩm này, tôi muốn đề cập đến vấn đề ăn chay. Nhiều người cho rằng chỉ ăn rau trái mới hợp đạo đức. Trong Phật giáo không hề có quan niệm ăn chay sẽ dễ giải thoát. Ðức Phật không hề cấm đoán việc ăn cá thịt. Ðức Phật chỉ quy định một vài điều kiện về việc ăn thịt cá. Ngài qui định phải ăn theo tam tịnh nhục: Tức là không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng kêu của con vật bị giết, không nghi con vật bị giết với mục đích giành riêng cho mình ăn. Ngoài ra Tỳ khưu phải cử ăn mười loại thịt như: thịt chó, thịt cọp, thịt rắn, thịt người v.v... điều này cho thấy Ðức Phật không cấm Tỳ khưu ăn thịt cá. Ðề-Bà-Ðạt-Ða có yêu cầu Ðức Phật đặt ra luật cấm ăn thịt cá, nhưng Ðức Phật sau khi thẩm định đã từ chối lời yêu cầu. Vào thời kỳ Ðức Phật cũng như ngày nay, phần đông ăn cá thịt và rau trái hỗn hợp. Chỉ có những người bà la môn, hay những người thuộc giai cấp cao trong xã hội Ấn Ðộ là ăn chay. Khi nhà sư đi khất thực để sống, nhà sư phải nhận mọi thứ thực phẩm của các giai cấp thí chủ khác nhau mà không được phân biệt, nhận của người này và từ chối người kia. Nếu phân biệt thức ăn chay, mặn thì trái với tinh thần khất thực này. Hơn nữa, để cho những người bà la môn và những người thuộc giai cấp khác đều có thể gia nhập tăng hay ni đoàn và không còn chấp trước vào thực phẩm nên Ðức Phật để ý đến sự kiện này khi quyết định vấn đề chay mặn. Như vậy, không cần phải tự thúc buộc mình vào việc ăn chay khi thực hành Thiền Minh Sát. Dĩ nhiên, có sự quân bình về rau trái và cá thịt sẽ có lợi cho sức khoẻ. Nếu bạn muốn ăn chay vì lòng từ bi thì đó cũng là một điều thiện. Mặt khác, nếu vì lý do sức khoẻ, nhất là cần phải có những chất bổ dinh dưỡng chỉ có trong thịt, cá, thì cũng cần nên ăn cá, thịt. Không có vấn đề tội lỗi trong việc ăn cá thịt; ăn cá thịt cũng chẳng làm hại hay cản trở gì trong việc hành Thiền Minh Sát. “

Theo bà Alexandra David Neel, trong cuốn Hành trình tới Lhasa, nhà xuất bản Tôn giáo năm 2006, từ trang 291:

“Về chuyện ăn thịt, đó là một điều đi ngược với tinh thần phật giáo, tuy người ta không thể tìm thấy trong các kinh tạng một bản văn mà nói rỏ sự cấm đoán này, và chuyện những thức uống gây say cũng vậy. Thế nhưng, những giới luật được đề cập mà có liên quan đến chuyện ăn thịt rốt cuộc lại trở thành nghiêm cấm chính thức, bởi chẳng có cách nào mà không phạm phải cả. Người phật tử được phép ăn thịt theo những nghiêm cấm như sau: Anh ta không được tự tay giết con vật đó, anh không được ra lệnh cho bất kỳ ai khác giết con vật đó, nó phải do ai đó giết nhưng người này không có ý làm vậy để cung cấp cho anh, anh phải không có sự nghi ngờ rằng con vật đó đã bị giết. Nếu hai nghiêm cấm đầu có thể dể dàng vượt qua được, thì nghiêm cấm thứ ba lại là điều gây cho người ta nhiều lúng túng; thế nhưng một số người lại phớt lờ được khi nại lý do rằng những tay giết mổ thịt bán đại trà cho công chúng, đâu có nhằm cung cấp cho nhu cầu của riêng ai đâu. Còn về nghiêm cấm thứ tư, phải nói rằng rất khó ăn được một miếng thịt mà không “tồn nghi” rằng con vật mình đang ăn là do đã bị giết! Thế nhưng nước nào cũng vậy, ở đâu mà chẳng có những người giỏi ngụy biện. Nhóm các nhà tu vui tính, trong các câu chuyện thời trung cổ, ở Lent mà đã rửa tội cho một “cái bánh” thịt gà đặng có thể ăn thịt nó một cách họp pháp là một ví dụ. Và các tâm hồn trào lộng phương đông cũng có thể dể dàng đưa ra nhiều lý lẻ biện hộ có lợi cho thói phàm ăn này!
……
Những người còn ăn thịt trong số những người theo đạo phật ờ Tích lan, Miến điện và Thái lan, như tôi đã nói, biện minh cho mình bằng khá nhiều giải thích phức tạp về các nghiêm cấm đã nói trên. Khi họ thọ pháp trong một tông phái nào, họ phải thể nguyền rằng không được phép chọn thức ăn mà mình khất thực được, và phải chấp nhận bất cứ thứ gì mà người có từ tâm đã cúng. Điều này hoàn toàn sai. Việc đi một vòng thật sự của các vị tì khưu (bhikshus) của ngày xưa giờ đây đang trở thành một chuyến đi bộ giả vờ, có tính chất nghi lể đến những nơi đã định để khất thực một bữa ăn vốn được nấu nướng riêng cho các vị sư sãi. Thêm nữa, họ cũng sẽ không cam nhận nếu thức ăn đó không tinh khiết, không lành mạnh khi người ta đổ vào bát hành khất của mình (hay vào những đồ đựng khác mà các chú tiểu của họ đi phía sau mang theo).
…………
Tuy nhiên, trước khi tiếp tục câu chuyện, tôi xin được nói thêm rằng, tuy thoạt nhìn thì thói quen ăn thịt đúng là gây ra cái chết non cho nhiều động vật, và có vẻ quan trong hơn là chuyện uống rượu, nhưng người Tây tạng thì lại cho rằng sự điều độ, tỉnh táo mới là quan trọng nhất cho sự tiến bộ của tinh thần và tâm linh. … Họ minh họa điều này bằng một câu chuyện thật thú vị: Một nhà sư nọ bị một con quĩ bắt phải chọn một trong 3 tội ác sau: Giết một con cừu, phá giới không sống độc thân nữa, hoặc là uống rượu mạnh. Nhà sư tội nghiệp kia, sau khi cân nhắc thiệt hơn, đã không chọn hai cái ác đầu, bởi nghĩ việc uống rượu sẽ có ít hậu quả hơn. Sau khi đã uống rượu xong, do hết sức hứng chí và đã mất tự chủ, anh ta đã ưa thích một phụ nữ, và cũng chính cái sự sai sưa này đã khiến anh ta đã giết con cừa để đải tiệc cho tình nhân của mình.”

Tôi cố gắng chép lại trong sách từng câu từng chữ nhưng chắc quí vị cũng thấy bản dịch cuốn sách này khá là tối tăm. Tôi nghĩ phải chú thích thêm như vầy: đành rằng không có kinh tạng nào cấm ăn thịt, nhưng có những điều cấm khi muốn ăn thịt. Những điều cấm này, quá khó thực hiện nên theo ý tác giả, thành ra cũng không khác gì là cấm. Trong các điều cấm liên quan tới chuyện ăn thịt, thì 3 điều đầu là khi con vật bị giết, còn điều thứ 4 là phải chắc rằng con vật không bị giết mà chết vì lý do nào đó khác.

Rỏ ràng là hai ý kiến này phản bát nhau chang chát. Nhưng tôi phải lưu ý các vị về đoạn cuối của đoạn trích dẫn của bà Alexandra Neel, bà cũng không cho rằng ăn thịt là một trọng tội. Bản thân bà, trong chính cuốn sách này cũng ăn thịt nhiều lần. Nghĩa là bà không hề ăn chay dù bà từng tu nhập thất và luyện thành công nhiều phương pháp yoga bí truyền của Tây tạng.

Ăn chay, theo tôi có 2 lý do chính, một là, để dể giữ tâm thanh sạch hơn, tránh tình trạng “no cơm ấm cật, rậm rật chân tay”. Hai là, để nuôi dưỡng tâm từ bi và giữ giới “BẤT SÁT”.
Trường họp của bà Alexandra Neel đã chứng tỏ rằng không ăn chai cũng có thể tỉnh tâm được, miễn là có đủ bản lỉnh và ăn vừa phải đúng theo tinh thần “trung đạo”. Còn vấn đề “bất sát” và từ bi thì ta hảy xem các nhà tu theo đạo jain (một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn độ, không phải hindu cũng không phải phật). Những nhà tu này, không mặc quần áo và sống trong rừng. Buổi tối, họ dùng khăn mỏng che miệng, mũi và tai lại vì sợ rằng có con vật nào đó chui vào và chết. Khi đi đứng, nằm, ngồi hay ăn họ đều quang sát kỹ xem có vô tình làm chết con vật nào không. Dĩ nhiên, họ không bao giờ đập ruồi hay muổi. Trở lại với hoàn cảnh sống của chúng ta, không kể những khi vô ý làm chết con vật nào đó, chúng ta khó mà giữ được như các nhà tu này. Chẳng lý nào ta không diệt muổi, dán, ruồi … Mà mỗi lần vung chai thuốc xịt lên, hàng chục hay hàng trăm con côn trùng ngã gục. Hoặc theo phản xạ mà đập muổi thì cũng phạm sát giới rồi.

Thế nên, theo thiển kiến của tôi, việc ăn chay là không nhất thiết. Tất nhiên, việc săn bắt các loại thú rừng và đập đầu chó để nhậu hay ăn thịt đồng loại thì người theo lý tưởng từ bi của phật dứt khoát không nên làm.

Về chuyện cải sửa số mệnh

Hầu như những người xem số nghiệp dư đều đến với bói toán từ mong muốn biết được số mệnh của mình. Thế mà “thế thượng ác nhân đa”, người có số tốt thì ít mà trắc trở, khó khăn thì nhiều. Do vậy mà ước muốn cải sửa số mệnh luôn là nỗi băn khoăn, khắc khoải của những người tự xem số cho mình.
Ở đây tôi nhấn mạnh là tự xem cho mình vì sửa số cho chính mình đã là quá khó, đừng nói chi đến sửa cho người khác. Bài viết này cũng chỉ mong đề ra một vài ý hướng để được nghe các bậc cao nhân chỉ giáo thêm.
Điểm lại trong các sách vở về lý số, bài viết về sửa đổi số mệnh của Nguyễn Phát Lộc trong quyển Tử vi tổng hợp là sát và có lý luận chặt chẽ nhất. Thế nên những gì bậc đại tiền bối đã nói tôi chỉ xin nhắc qua và thêm thắt vào chút ít, mục đích của bài viết này là bàn đến phần thực nghiệm, nghĩa là trả lời câu hỏi “lý thuyết đã là như thế, còn thực hành thì sao?”

Cách đặt vấn đề của NPL phải nói là đã cực kỳ hoàn hảo (tử vi tổng hợp, trang 55):
- Số mệnh là gì? Nên hiểu số mệnh như thế nào?
- Hạnh phúc là gì? Nên đặt tiêu chuẩn hạnh phúc ra sao?
- Làm thế nào để cải sửa số mệnh và mưu cầu hạnh phúc.
- Biết được số mệnh như thế, con người cần có lập trường gì trước số mệnh.

Có thể hiểu cách đặt vấn đề này đại khái như sau:
Mục đích rốt ráo là hạnh phúc hơn, chứ không thể cụ thể là giàu hơn, quyền cao chức trọng hơn …. Nên cái đoạn hạnh phúc là gì là hết sức quan trọng. Trên 2 nền tảng “số mệnh” và “hạnh phúc” đó mà tìm cách để có hạnh phúc nhiều hơn. Và cuối cùng, nếu không sửa nỗi thì cần có thái độ như thế nào để có thể có đủ dũng khí tiếp tục sống và đón nhận.

Nếu đi được con đường do Nguyễn Phát Lộc chỉ ra thì không còn gì để bàn cãi nữa, dưới đây tôi chỉ mạo muội tìm một cách tiếp cận khác mà hy vọng là dễ thực hiện hơn.

I. Có thể sửa số không và sửa được đến mức nào.
Tôi tránh không lao đầu vào khái niệm vốn hay gây tranh cãi “Số mệnh là gì” mà chỉ xét xem có cải sửa số mệnh được không và từ đó may ra cũng gợi mở cho chúng ta con đường để tìm tòi cách sửa số.

Thuyết nhân quả và nghiệp báo của phật giáo cho chúng ta những gợi ý gần nhất về số mệnh. Khi nói về tính chất của nghiệp quả, đức phật hỏi “Tỷ như có người cho một muỗng muối vào bát nước. Hỡi này các tỳ khưu, các người nghĩ thế nào? Bát nước có trở nên mặn và khó uống không?” Các đệ tử phật trả lời là có. Đức phật lại hỏi “Bây giờ, tỷ như người ta đổ muỗng muối ấy xuống sông Hằng. Này hỡi các tỳ khưu, các người nghĩ sao, nước sông có vì muối ấy mà trở nên mặn và khó uống không?” Các đệ tử phật trả lời là không. (theo “Đức phật và phật pháp” – Chương “Tính chất của nghiệp”)
Theo đó, thì nếu như số mệnh được tạo ra là từ nghiệp báo, thì việc cải đổi là rất “khả dĩ”, có thể từ mức rất “mặn” thành ra hầu như không có gì.

Có nhiều lý thuyết cho rằng số mệnh hàm chứa trong tâm trí con người. Kinh phật cũng có câu “Này hỡi các tỳ khưu, Như Lai xác nhận rằng chính Tác Ý là nghiệp”. Nhiều trường phái tâm lý cũng cho rằng, có gì đó trong tâm con người như là thiên hướng, dẫn dắt người ta hành động theo chiều hướng nào đó. Đáng chú ý nhất là học thuyết của Sigmond Freud về vô thức. Nếu quả như vậy, việc cải sửa số mệnh là nằm ở chỗ hiểu được chính mình.

2. Tìm cách thay đổi vận số trong tương lai nhìn thấy được bằng xem số
Nguyễn Phát Lộc cho rằng hạnh phúc là sự cân bằng giữa ý muốn và năng lực thực hiện. Hai thứ này càng gần thì người ta càng hành phúc và cuối cùng rốt ráo là người ta phải tiết chế ham muốn, tự rèn luyện tâm trí để việc tự chế dễ dàng và thoải mái hơn đồng thời nuôi dưỡng một lối sống đạo đức. Khi làm được những điều trên, nói chung là người ta sẽ hạnh phúc hơn.
Nguyên tắc trên là cực kỳ đúng đắn chỉ có điều đó là nguyên tắc chung trong toàn cục. Còn cụ thể thì sao? Ví dụ, nếu tôi thấy trước trong vài năm tới tôi sẽ gặp đại nạn và vấn đề đặt ra là làm sao tránh hay chí ít là giảm nhẹ, thì có cách nào hay con đường nào cho tôi chút hy vọng không?
Gốc rễ vấn đề việc hạn chế ham muốn và sống cuộc đời đạo đức. Nhưng bàn về đề tài này thì khó quá mà NPL cũng đã nói rồi. Ở đây, tôi chỉ xin nói phần trên một chút thôi, nghĩa là từ phần “thân cây” trở lên.

Theo tôi có mấy con đường sau khả dĩ có thể cải sửa chút ít số mệnh nếu như chúng ta đã nhìn thấy nó mờ mờ trong tương lai:
- Lời nhắc nằm ngay trong kỹ thuật xem số, bát tự hà lạc là kỹ thuật có được những lời nhắc có ích nhất
- Chu kỳ sinh học, nhịp sinh học.
- Nhìn kỹ vào lòng mình để tìm giải pháp.

3. Bát tự và tử vi trong việc sửa số:
Muốn sửa được số bằng cách xem bát tự thì phải hiểu rõ thuyết “thời và vị” trong kinh dịch. Như trong sách “Kinh dịch - Đạo của người quân tử” học giả Nguyễn Hiến Lê đã giảng giải rất rõ về chuyện này. Ví dụ rõ nhất là quẻ Sư. Thời của quẻ Sư là chinh chiến, các vị (hào) có đủ cả các hình thái có thể có của một cuộc chiến, từ thắng trận được ban khen (hào 2) đến “xe chở xác quy về” (hào 3), kể cả thành công nhờ rút lui chiến thuật (hào 4) … Cái cần là xem mình ở vị nào, thời nào và tại sao. Vì vậy mà việc nghiên cứu dịch một cách thấu đáo là hết sức cần thiết. Ít nhất là hiểu rõ tượng của từng quẻ, tránh tính trạng quá chú ý tiểu tượng (ý hào).
Như quẻ Đại quá là chỉ thời của cây cột chống đỡ 1 vật nặng trong thế chênh vênh. Nghĩa là ít nhiều gì cũng có gian nan. Có hào chỉ ra vị là cây cột yếu có thể đổ (hào 3), có hào chỉ ra là chống đỡ được nhưng vất vả mà nhân việc này có tiềm ẩn sai lầm, nguy hiểm (Hào 4).
Quẻ Hằng cũng vậy, nam nhân mà gặp quẻ này thì thường là không tốt. Vì Hằng là lâu bền, chỉ trong cái thế bề tôi trung với vua, vợ chung thủy với chồng thì mới tốt thôi còn lại chỉ ra là tình thế kẹt, không nên ở lâu mà cứ nấn ná, trì trệ.
Quẻ Đỉnh là tượng chỉ sự hưởng lộc vị, nhưng lên đến hào 6 thì là lúc tàn cuộc, phải ngưng thôi.


Xin lấy một vài ví dụ có thật trong xem bát tự.
VD1: Một quan chức có các tuế vận như sau:
Đại vận là Thuần khảm - hào 3.
2000: Trạch phong đại quá - hào 4
2001: Lôi phòng hằng – hào 5.
2002: Hỏa phong đỉnh – hào 6.
2003: Hỏa thiên đại hữu – Hào 1.

Năm 2000, vì thấy đại vận xấu và ý hào rõ ràng là phải chống đỡ vất vả tôi khuyên nên vừa phải, thận trọng, không nghe tiểu nhân (Hào 4 quẻ Đại quá khuyên không quá nghe bọn tiểu nhân) nhưng ông này đang đắc thời không hề chú ý lời khuyên này. Đúng như ý hào, ông cũng chống đỡ thành công. Đến năm sau, tôi bắt đầu khuyên ông nên thuyên chuyển, rút lui ra khỏi vị trí hiện tại nhưng ông cũng không nghe để đến cuối năm vướng vào một chuyện bê bối, ầm ĩ. Tuy nhiên, ông cũng qua được. Đầu năm 2002, ông gọi tôi đến mà nói rằng tôi đã nói đúng những nạn của ông nhưng nay ông thoát hết rồi, bây giờ ông muốn tôi xem tiếp. Tôi thấy hay tuế vận 2002 và 2003 đều nói rằng không được ham lộc vị nên thoái nhàn. Tôi nói thẳng là nếu ông không tự lui thì sẽ bị mất chức. Tôi nói nếu rút lui thì đến 2005 ông có cơ phục chức và như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với để bị cách chức. Ông không tin và nói rằng sóng gió như thế mà ông còn chống chọi được, qua được thì không việc gì phải sợ.
Đến cuối năm, trong cuộc họp cấp cao nhất, thượng cấp của ông bị chất vấn dữ dội về chuyện của ông đến nỗi giờ giải lao, vị thượng cấp gọi điện về bảo soạn ngay lệnh cách chức ông.
Ông bạn tôi nhận lệnh thật bất ngờ, ra đi cũng hết sức bất ngờ và đến nơi mới trong tư thế kẻ vừa bị cách chức, bơ vơ, ngơ ngác (hào 1 quẻ Đồng nhân). Không chuẩn bị trước, lại ở trong thế khó khăn như vậy nên khi ra khỏi đại vận hào 3 quẻ khảm, ông này có được bổ nhiệm lại nhưng không mấy gì hay.

Qua câu chuyện trên, ta thấy nếu ông này tin tưởng hơn, dũng cảm ra đi từ khi đang quẻ Hằng – hào 5 thì hay hơn nhiều. Đến quẻ Đỉnh hào 6 mà ra đi thì chí ít cũng không bị cách chức, có nhiều thời gian hơn để vận động một vị trí khác, không bị bất ngờ và bị động như đã nói ở trên.
Dù sao thì ví dụ trên cũng cho ta thấy Bát tự đã cho ra hàng loạt lời nhắc chỉ có điều ta có dám nghe hay không thôi.

VD2: Khi tôi gặp người này thì ông đang ở đại vận hào 3 quẻ Khôn (cũng là nguyên đường biến quẻ), tiểu vận Thiên sơn độn hào 3. Ông đang trong thế phải ẩn nhẫn đợi thời, lại có nhiều chuyện buồn phiền trong gia đình. Nhìn thế quẻ Khôn lại là hào 3, vị cương nhưng hào nhu không hợp, ông lại quá nóng tính, cương liệt nhưng lại quá ủy mị trong cư xử nên không phát tác được cái hay của quẻ Khôn. Trước mặt là đại vận kế hào 4 quẻ Khôn, không lấy gì làm hay. Vì thế, nếu không có những sửa đổi cho hợp với vị của nguyên đường và biến quẻ thì đến hào 4 quẻ Khôn sẽ rất khó khăn. Tôi bèn khuyên ông đại khái có 2 ý: đã không gặp thời mà phải trốn thì cứ ung dung bực tức làm gì, sắp hết thời độn rồi. Thứ 2 là ở quẻ Khôn là nhờ đức âm, vậy nên làm hòa với vợ con, làm tròn vai trò người chồng người cha. Nếu làm được như vậy thì đến đại vận hào 4 quẻ Khôn, tiểu vận Lôi địa Dự hào 4 sẽ có thành đạt mà sau còn nhờ vợ nhiều.
Ông nghe theo, ung dung tu thân, tề gia, mấy năm sau được giải thưởng lớn và thành danh. Sau bị ốm nặng trong đại vận hào 4 quẻ khôn, nếu không nhờ vợ tận tình chăm sóc thì chắc khó qua khỏi.

Ví dụ này cho ta thấy không những phải xem tiểu vận, đại vận mà còn phải xem rất kỹ chính quẻ và biến quẻ, hiểu rỏ lẽ cương nhu. Từ đó mà “Thuận thủy thôi xa” (theo chiều nước mà đẩy thuyền) thì mới phát huy hết cái tốt, cản bớt cái xấu.

VD3: Một người có tiểu vận là Thiên hỏa đồng nhân – hào 2. Đồng nhân vốn là tượng tốt nhưng hào 2 thì không hay vì thời đồng nhân mà cứ khư khư với người nhà là không hợp. Tôi khuyên người này là nên mở rộng quan hệ, không phân biệt thân sơ. Người này quả là trong thế rất khó làm như vậy vì vốn bị người ta nghĩ là được ưu đãi, lập dị. Nhưng anh này đã phá bỏ được cái thế đó bằng cách cố gắng lui tới, vui vẻ với tất cả mọi người. Sau này, khi người thân không còn làm to nữa, gặp tiểu vận là thiên phong cấu – hào 6 (gặp nhau trên cái sừng, tức là đấu đá nhau) anh ta mới có đồng minh và thành công, tránh được tình thế xấu vốn có của hào 6 quẻ cấu (cô độc, không người giúp, tranh đấu vất vả).

Qua ví dụ này ta thấy phải nhìn cả quá trình và suy đoán. Hào 2 quẻ Đồng nhân là không đi lại với người ngoài, rồi tiếp tới sau vài năm là quẻ cấu hào 6, cô đơn không người giúp, nó cho ta thấy sự diễn biến tất nhiên và tất nhiên cũng chỉ cho ta thấy cách giảm nhẹ cái xấu đi.

*Vài dòng về tử vi: Vì đây là forum dành cho Bát tự nên chỉ xin nói ngắn gọn về tử vi thôi. Hy vọng có lúc sẽ bàn chi tiết hơn tại forum tử vi.
Trong tử vi có hệ thống ảnh hưởng qua lại giữa các cung là tam hợp và xung chiếu. Tam hợp là bổ trợ cùng lên cùng xuống.
Xung chiếu là hoặc hổ trợ, hoặc bù trừ. Tôi thấy nên đặt biệt chú ý cái quan hệ này nếu muốn cải thiện vận số:
Cung phối và cung quan xung chiếu, “vợ khôn chồng ắt có ngày làm quan” nhưng nếu quá ham công việc, chuyện gia đình nhiều khi hỏng bét.
Tài và phúc xung chiếu: Muốn có tiền thì phải bớt tình, bớt nhân hậu đi, tuy nhiên phải có phúc mới làm giàu lâu bền
….
Có thể nói nhiều nữa về các mối quan hệ này. Ta có thể lợi dụng các mối tương quan đó mà lựa chọn trong vòng hẹp những kịch bản khác nhau cho cuộc đời mình.

Còn một kiểu quan hệ nữa cũng có ích cho việc sửa số. Đó là các chòm tinh đẩu. Ví dụ kinh điển mà tôi từng được dạy như sau:
Giả sử hạn có Đà la + Thiên mả + Song hao thì rõ ràng là chỉ tay nạn tay chân. Nhưng mả + hao cũng có nghĩa là đi xa và tốn kém. Nếu người có lá số có cung thiên di đẹp (có hóa khoa càng hay), mả tốt thì có thể tránh né được bằng cách đi xa và chủ động chi nhiều tiền cho chuyến đi. Người ta vẫn hay nói “của đi thay người”, có khả năng Đà la sẽ giảm nhẹ chỉ còn là điều tiếng qua lại hay bực bội qua loa thôi. Cách này cũng có cái nguy là nếu chủ động đi xa thì cũng là tạo cái duyên để bị tai nạn xe cộ. Biết sao được, cái gì cũng có hệ số rủi ro của nó vả lại nếu không đi thì liệu có tránh được không.


* Như ta biết, có những tai nạn bất ngờ như đang đi bị vật nặng rơi trúng đầu, phạm sai lầm gì đó khi thao tác như sai lầm khi lái xe, sử dụng thiết bị điện … hoặc nói lỡ một câu làm cho người khác thù ghét … vv. Nếu vẫn duy trì niềm tin rằng không có gì là ngẫu nhiên thì có thể nói những sự cố này là có thể tránh được. 2 phần tiếp theo bàn về cách cải đổi số mệnh liên quan đến những sự cố nêu trên.
4. Chu kỳ sinh học:
Nhiều chuyên gia cho rằng vào những giai đoạn chuyển tiếp nhất định, con người hay gặp tai nạn. Các bác sĩ tâm thần cho rằng vào những đêm trăng, dù bị giam trong những căn phòng kín mít, các bệnh nhân tâm thần vẫn gào thét dữ dội hơn do thần kinh con người vào thời kỳ này mẫn cảm hơn. Ngược lại, binh pháp Tôn tử cũng dạy rằng không nên hành quân vào những ngày cuối tháng vì lúc đó tâm trạng binh lính âm u, kém hưng phấn và kém nhạy bén.
Nếu muốn dụ địch để phục kích thì tốt nhất là làm vào sáng sớm vì “Sáng hứng khởi, trưa mệt mỏi, chiều u buồn, tối suy tư”. Lúc đang hứng khởi mà thắng thì tất nhiên kẻ thù sẽ hăng hái truy kích và trúng kế.

Qua những ví dụ trên thì ta thấy người xưa đã hiểu rất rõ chu kỳ sinh học của con người. Có nhiều software tính toán chu kỳ sinh học và cảnh báo những ngày nguy hiểm, tuy nhiên, cách tính đó quá thô sơ so với những chu kỳ có trong lá số tử vi và cách tính của phương đông.
Nếu nhìn tử vi như là sự chồng chất lên nhau của nhiều chu kỳ và điểm trùng phùng của nhiều điểm nguy hiểm của các chu kỳ khác nhau là một hạn nguy hiểm thì chúng ta thấy có thể tránh được nếu hiểu rõ các chu kỳ đó.
Ví dụ có sách cho rằng vào thời điểm tuần triệt (tiểu hạn tuần triệt hay đại hạn tuần triệt) tuyến tụy của con người hoạt động mạnh lên và làm cho con người trở nên bạo dạn hơn. Đối với người tính tình bất cẩn thì những lúc này thường dễ gây tai nạn. Như vậy, nếu ta tập trung hơn, ăn uống đúng cách để điều hòa nội tiết trong cơ thể (ngày nay việc này thật dễ dàng) thì có thể tránh được trục trặc này.

Như chúng ta đã biết, tinh đẩu không chỉ vượng tướng hưu tù trên lá số mà nó cũng vượng tướng hưu tù theo thời gian. Ví dụ mùa hè hay năm có nạp giáp hành hỏa thì sao Vũ khúc thuộc kim sẽ yếu, những ai Vũ khúc thủ mạng thì dễ dàng mắc sai lầm vào mùa này. Vậy nên thận trọng vào những lúc này và tìm cách bồi bổ hành kim.
Những thầy tướng, tử vi mà xuất thân từ đông y rất mạnh kỹ thuật này.Trong khuôn khổ bài này tôi không dám bàn rộng vì sợ múa rìu qua mắt các vị này.

5. Tâm lý học:
Trong lời tựa quyển “Freud thật sự đã nói gì” có đoạn đại khái như sau: giả sử bạn bước chân ra khỏi nhà để làm một chuyện quan trọng mà bị vấp chân, suýt ngã và bạn quay vào quyết định không đi nữa. Một số người sẽ cho là bạn mê tính và chê cười bạn. Nhưng Freud sẽ cho là bạn có lý. Nguyên nhân là vì Freud cho rằng có gì đó không ổn trong tiềm thức của bạn và sâu thẳm trong vô thức, bạn biết rằng bạn khó mà thành công được.

Như phần mở đầu đã nói, Phật từng xác nhận ý là nghiệp. Nếu ta có thể nhìn thẳng vào lòng mình, hiểu rõ chính mình và đối chiếu với những gì thấy được bằng xem số, có thể ta sẽ mò được cái gì trong tâm tưởng ta có thể là nguyên nhân gần của những thời vận không tốt của mình. Cách này rất tốt và dễ làm đối với người biết Thiền. Nhưng với những người khác thì quả là khó.
Thế nên tôi đề nghị một cách nữa là nghiên cứu kỹ và tự hiểu chính mình. Phân tâm học cho rằng có những bản năng cơ bản chi phối hành động con người từ trong tiềm thức. Cơ bản nhất là tính dục, bản năng sống và bản năng chết. Trong quyển tử vi tổng hợp, Nguyễn Phát Lộc cho rằng đến hơn 60% các sao trong tử vi có liên quan dục tính. Xem ra thì điều này quả thật không có gì là đáng ngạc nhiên. Nếu như hiểu được tâm lý của mình và giải phóng năng lượng tâm lý một cách phù hợp thì ta sẽ làm chủ được một phần đáng kể số mệnh của mình.


6. Kết luận:
Để sửa đổi số mệnh hay phần nào tránh được những cái xấu trong tương lai thì có thể theo những gợi ý trong kinh Dịch mà chúng ta có được qua quẻ Hà lạc.
Những người rành về chu kỳ sinh học và đông y có thể tìm thấy sự liên quan giữa tử vi và những chu kỳ của đời người. Ngày nay với những thông tin đầy đủ và y học hiện đại, người ta có khả năng thay đổi đáng kể những ảnh hưởng của các chu kỳ này.
Những người có khả năng thiền định có thể chỉ ra được nhân duyên của những nghiệp chướng mà mình phải gánh và có thể có cách tu thân phù họp. Trường hợp hiểu biết sâu xa về tâm lý thì đây cũng là một gợi ý hay để biết phải làm gì để tránh những rủi ro trong tương lai.
Những điều nêu ra ở trên thật sự không dễ làm và cũng chưa đâu vào đâu. Người viết chỉ mong nêu được vấn đề để mọi người cùng nghiên cứu và những cao nhân đã từng nghiên cứu sâu xa hơn chỉ giáo thêm cho ở những chỗ đúng, vạch cho thấy những chỗ sai lầm, người viết sẽ vô cùng cảm kích.