Saturday, September 4, 2010

Sách căn bản về tướng số.


Tôi quyết định viết cuốn sách này vì thấy nhiều bạn trẻ muốn trang bị cho mình chút ít kiến thức về tướng số, mà nhu cầu này hoàn toàn chính đáng. Khi tiếp xúc làm ăn hay kết bạn, chắc hẳn người ta muốn biết nhiều về đối tác nhưng chẳng phải khi nào người ta cũng xin được ngày giờ sinh. Trong trường hợp này, tướng thuật tỏ ra đắc dụng.
Thế nhưng, số sách tướng thì ít hơn số sách tử vi nhiều. Trong số đó, theo chủ quan của tôi, số sách viết hay và cung cấp kiến thức chính xác thì chỉ có một hai quyển. Nhiều quyển được soạn công phu nhưng những hình minh họa thì là hình vẽ mà đến như tôi cũng chịu không hiểu nổi tác giả muốn diễn tả hình tướng nào. Nhiều cuốn thì tràn đầy kiến thức nhưng lại chỉ là những gạch đầu dòng liệt kê hàng loạt. Mà toàn gạch đầu dòng thì khó mà nhớ được. Khối kiến thức đó như những những mảng rời rạc.
Chính vì có những nhận xét như vậy và nhận thấy rằng với những phương tiện như hiện nay, việc trình bày có mạch lạc, từ căn bản đi lên và dùng ảnh chụp để minh họa thay cho hình vẽ là việc không quá khó nên tôi đã quyết định viết cuốn sách này, hầu lưu lại những điều mình đã biết và giúp cho những ai đang tầm học đỡ khó khăn.
Có thể download sách tại đây:

Sunday, January 31, 2010

Một số câu hỏi khó chịu

Bài viết này tôi viết cách đây hơn 2 năm (9/5/2007), giờ gom về đây cho tiện.
Những người xem bói thường bị hỏi những câu hỏi khó. Một số là người ta thắc mắc thật tình nhưng cũng có những câu khiêu khích hay bắt bí. Dưới đây tôi xin kể một số câu hỏi mà tôi từng bị hỏi. Một số thì tôi trả lời được, số khác thì không, viết ra đây mong được chỉ giáo và để quí vị đọc chơi.
1. Những người sinh đôi thường là cùng giờ sinh, vậy số mệnh họ có giống nhau không?
Thực tế cho thấy nhiều cặp sinh đôi cùng giờ nhưng cuộc đời không mấy gì giống nhau, nếu không muốn nói là chỉ giống nhau hình dáng và chung cha mẹ (như 2 người em họ của tôi mà tôi chắc chắn là sinh cùng giờ).
Cái này thì tôi từng giải thích trong bài “Bàn về số mệnh và các phương pháp đoán số”. Chúng ta phải chấp nhận cuộc đời con người có những điểm đến hạn mà tại đây tùy vào cá nhân mà số mệnh có thể bước sang những ngã rẻ rất khác nhau. Tử vi chỉ định tính mà cuộc đời thì nhiều khi cần định lượng. Như 15,5 điểm thì rớt, 16 điểm thì đỗ nhưng trên mặt định tính thì thật là chẳng khác nhau bao nhiêu.
Tôi từng được đọc một bài báo của một thầy tử vi nổi tiếng nói về 2 sĩ quan có cùng một lá số (sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm và cùng giờ) nhưng không cùng cha mẹ. Theo ghi nhận của ông này thì 2 người này có biến cố cuộc đời khá giống nhau nhưng ở các cấp độ khác nhau như năm thăng cấp thì giống nhau như cấp bậc thì khác nhau. 2 người mất cùng năm nhưng trước sau nhau 6 tháng và cái chết cũng khác nhau chút ít.
Như vậy, thì cũng trấn an phần nào cho dân xem số dựa trên ngày tháng năm sinh!

2. Nhiều trường hợp người mẹ được tiên lượng là sinh khó và bác sỉ chỉ định là sinh mổ. Vì đằng nào thì cũng mổ nên thường người ta cho phép chọn ngày giờ. Nhiều người nhờ thầy xem dùm trong khoảng thời gian đó (cũng khoảng năm ba ngày), ngày giờ nào là đẹp nhất … rồi mổ. Thế thì tử vi trong trường họp này có giá trị gì không?
Tôi có được yêu cầu xem và chọn ngày sinh như vậy một lần và tôi đã từ chối. Sau đó người mẹ này nhờ một người khác xem và định ra giờ mổ. Tuy nhiên, đúng giờ đúng ngày thì phòng mổ bị kẹt do có ca cấp cứu rất khẩn, thế là giờ mổ (cũng là giờ sinh của đứa bé) bị dời đi mấy giờ. Nhờ vậy có thể nói rằng thiên định vẫn cứ là thiên định. Dù vậy, tôi nghĩ vẫn có người thành công trong việc sinh con theo ngày giờ đã định và như vậy, lá số này có chính xác không?
Một chi tiết nhỏ là sau đó, vì tò mò, tôi lập cả 2 lá số, một theo giờ đã định trước và một theo giờ đã mổ thì không thấy lá số nào khả dĩ là đẹp cả?!

3. Có người hỏi rằng khi máy bay rơi thì hàng trăm người chết cùng lúc, chẳng lẽ ngần ấy người có cùng số chết năm đó, tháng đó, giờ đó sao?
Tôi đã từng trả lời người chất vấn rằng (cũng là theo trong sách thôi), cũng có khi máy bay rơi, hàng trăm người chết, nhưng vài người sống sót hy hữu. Điều này chứng tỏ là có số.
Dầu vậy, trong thâm tâm tôi, nếu có ai đó mà sưu tầm hết lá số của những người bị nạn trên máy bay, tôi nghĩ cũng khó mà biện luận cho thông cái lý ngần ấy lá số chết vào năm, tháng đó.
Phía tướng số thì có ghi chép rằng có thầy tướng nọ, đến vùng kia thấy sắc mặt người nào cũng u ám. Sau đó ít lâu, quả nhiên vùng đó bị giặc dã tàn phá. Hy vọng là cũng có hiện tượng tương tự cho trường hợp rơi máy bay.

4. Trong phép bói tung đồng tiền, nhiều người được quẻ không như ý bèn gieo tiếp và cứ gieo hoài cho tới khi được quẻ tốt. Như vậy thì sao?
Câu này thì sách có trả lời nhưng mãi sau này tôi mới được đọc. Đó là cuốn “Tăng san bốc dịch” của Dã Hạc Lão Nhân. Ông này cho rằng nếu bói một lần đã rõ nghĩa thì không nên bói lại, còn như chưa rõ thì thành tâm làm lại cũng được. Khi gieo quẻ thì thành tâm, trong lòng trống rỗng thì mới nghiệm, chứ cứ mong quẻ theo ý mình thì quẻ sẽ không ứng nghiệm.
Dù vậy, nhiều người cũng không chịu lý luận này.

5. Ta thấy một số sách bói nói, vd: người mạng kim thì hợp với màu vàng vì vàng thuộc thổ. Có anh bạn tôi, quyết lòng làm theo sách, đã chọn mua chiếc xe màu vàng. Nhưng mua rồi, đem về nhà ngắm thì thấy xe không hoàn toàn màu vàng (dĩ nhiên rồi, vì toàn vàng thì … xấu quá) mà có chỗ xanh chỗ đỏ lung tung. Anh lại nghe nói “thiểu thắng đa” và càng lo lắng hơn. Tôi bèn giải thích cho anh là “thiểu thắng đa” là như chữ trên tờ giấy, phần chữ chỉ chiếm vài phần trăm diện tích tờ giấy nhưng người ta nhìn, đọc là ở phần này, nên nó là chủ đạo; tương tự, trong một viên thuốc, phần lớn là chất độn, chỉ có chút xíu dược chất nhưng lại là phần tạo ra công dụng chính của thuốc …. Trong trường họp chiếc xe thì lại khác, đập ngay vào mắt người ta là màu sơn chính của thân xe, ai mà chú ý các họa tiết khác. Ngay trên giấy tờ xe cũng ghi màu vàng đó thôi, nếu anh có bị police đuổi bắt, người ta cũng sẽ nói trên bộ đàm “Một chiếc xe màu vàng đang chạy về ….”. Anh bạn tôi nhờ vậy mới yên tâm.
Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi, tôi nghĩ rằng lấy hạp năm sinh âm rồi suy ra màu này hợp màu kia không xem chừng vô lý quá, chắc không có tác dụng gì. Đồng đô la nào cũng màu xanh, nhưng tôi không nghĩ những người mạng thổ thì kỵ chúng?!

6. Nhiều người đặt vấn đề, giả sử anh X năm nay vận xấu nhưng anh quyết tâm làm cái gì cũng coi ngày, làm toàn vào những giờ hoàng đạo của những ngày “Đại cát, đại lợi … tiểu tác tiểu phát, đại tác đại phát” thì sao, anh ta có thành công không?
Theo tôi thì xem ngày tốt xấu cũng như xem thời tiết, nó cũng chỉ là một yếu tố phụ trợ cho công việc thêm thuận tiện thôi. Chủ yếu vẫn là khí vận của người đó. Ví như anh đi cắm trại với gia đình, nếu trời đẹp thì cuộc đi chơi càng vui, nếu trời xấu mất vui đôi chút. Tuy nhiên, nếu anh phải đi với bà vợ lắm mồm, một bầy con ngổ nghịch thì dù trời có đẹp cũng chẳng vui nỗi. Ngược lại, nếu anh đi với người yêu mới, xinh đẹp dịu dàng, có khi trời càng giống tố càng … hay.

7. Lão tử khi tiễn Khổng tử ra về có nói “Những gì ông nghiên cứu thuộc về người xưa, người xưa thì chết rồi, thời đại của người xưa cũng qua rồi, vì vậy những điều này không nên xem là bất di bất dịch”. Các khoa xem bói cũng có vấn đề này và liệu ngày nay cần điều chỉnh ra sao? Ôm nguyên khuôn của người xưa thì chắc là không ổn rồi.
Đành rằng phải đồng ý ngay là phải có điều chỉnh, nhưng điều chỉnh ra sao thì khó quá. Một ví dụ: có những bệnh như ruột thừa chẳng hạn, ngày xưa bị là chết, nhưng ngày nay thì chữa không khó khăn gì. Nếu cho rằng lá số có phản ánh các quá trình vượng, suy sinh học của cơ thể thì cái hạn lớn này trên lá số ra sao, chắc là sai chăng?
Vấn đề gay go nhất là phía nữ giới. Mọi lý luận của các khoa bói đều đặt trên nền tảng: đường chồng con có giá trị to lớn trong cuộc đời người đàn bà. Thêm nữa, vấn đề tiết hạnh rất được xem trọng. Những điều này ngày nay giảm giá trị đi rất nhiều. Trong tướng thuật thì mũi của đàn ông là cung quan, của đàn bà là cung phu. Ngày nay có cần sửa chữa điều này không?
Trong tử vi thì có những sao chỉ sự thất tiết của đàn bà như kình – kỵ, cự - kỵ, đào-riêu mà ngoài ý nghĩa tiết hạnh ra còn mang nhiều ý nghĩa rất xấu. Lưu ý rằng ngày xưa để đàn ông ngoài chồng, cha ra nắm tay đã là “thất tiết”. Trong khi ngày nay, bạn khác giới cũng có thể hôn nhau.
Như vậy có 3 cách hiểu trong bối cảnh ngày nay:
a. Những bộ sao này không còn ý nghĩa dữ dội nữa.
b. Nếu có những sao này, người phụ nữ sẽ có đời sống tình ái rất dữ dội để gánh tai tiếng và rắc rối tương đương như ngày xưa. Hoặc có thể hiểu là không bị ý nghĩa xấu này sẽ bị ý xấu khác.
c. Nhìn chung, lá số không chỉ sự vật mà chỉ cảm giác, cảm nhận của đương số đối với sự vật. Như vậy thì không phụ thuộc văn hóa và đạo đức xã hội nữa nhưng cách luận đoán diễn thành sự việc thì phải thay đổi. Điều này tùy vào vốn sống và kiến thức xã hội của ông thầy.
Thật sự tôi chịu không dám chắc hiểu thế nào là đúng. Ý cuối cùng có vẻ khả chấp hơn cả nhưng cũng có cái kẹt. Ví dụ 2 câu phú rất nổi tiếng:
Sao Thai mà ngộ Đào hoa
Tiền dâm, hậu thú mới ra vợ chồng.
Trong bối cảnh mà chuyện con đi theo ôm váy cưới cho mẹ trong lễ thành hôn còn là chuyện thường thì … bộ sao này có còn ý nghĩa gì? Có thể là nó sẽ chỉ một hiện tượng gì đó khác trong chuyện hôn nhân. Cái cảm giác, cảm nhận của những người “tiền dâm, hậu thú” ngày xưa ra sao, diễn dịch trong bối cảnh ngày nay thì như thế nào?

8. Gieo quẻ để đoán vật.
Cách đây hơn 10 năm, trong khi đi cắm trại với một nhóm bạn, tôi đem theo quyển sách chỉ cách xem Mai hoa dịch. Một anh bạn tò mò đọc được lỏm bỏm đoạn “Đoán vật” bèn đánh cá tôi đoán vật mà anh ta bí mật cầm trong tay trong khi tôi phải đi ra ngoài. Tôi nhớ tới chuyện Thiệu Khang Tiết bảo con mình đoán vật khi có hàng xóm sang gõ cửa và nghĩ rằng việc đoán vật là 1 bài tập hay nên nhận cá. Trong lúc tôi ra khỏi lều, bạn tôi bèn chọn một món đồ và cầm trong tay. Tôi trở vào và phải xủ quẻ để đoán vật ấy.
Tôi ghi lại chính xác những gì tôi đã nghĩ lúc đó, mặt dù có thể đối với nhiều người đọc bài này thì thật là mông muội và bậy bạ.
Tôi bấm lục nhâm đại độn và được Đại cát lâm Tý tức trạch thủy Khổn. Vừa đoán vừa nói ra thành lời cho tất cả mọi người nghe. Vì trạch là kim nên có lẽ vật sẽ tròn và có màu trắng và bằng kim loại. Không tính Thủy vì thủy thì không nằm trong lòng bàn tay được mà có lẽ vật này liên quan đến nước. Tôi đoán chắc là nắp chai bia (bằng kim loại) màu trắng và đã cong vênh không còn dùng được nữa.
Khi bạn tôi mở nắm tay ra thì đó là nắp chai nước suối đã bị tét và có màu trắng, bằng nhựa. Dù theo quan điểm lý số, tôi thất bại thảm hại trong biện luận ngũ hành nhưng các bạn tôi thì đâu có rành nên cũng tròn mắt thán phục và cho tôi được “thủ hòa”. Tuy nhiên, họ bắt tôi làm lại lần nữa. Họ thấy tôi biện luận dựa nhiều vào cái lý “nằm trong bàn tay” nên lần này họ lấy cái nón úp lên vật mà tôi phải đoán.
Lần này tôi không dùng Lục nhâm nữa mà tính một quẻ tiên thiên, được thiên sơn Độn, biến ra phong sơn Tiệm. Tôi lại cho đó là vật tròn, màu trắng. Sở dỉ tôi bỏ qua hành thổ vì cho rằng thổ là căn bản, cái gì mà chẳng có thể về với đất. Tôi lại thấy có hành mộc, chắc là thứ gì dễ cháy như giấy. Vậy là lần này họ làm khó tôi bằng cách chọn thứ có 2 chất liệu khác nhau. Tôi hối hận đã biện luận cho họ nghe ở lần trước. Trong hổ quái có thêm hành hỏa, vậy chắc là vật bằng kim loại được rèn đúc. Tuy nhiên, như đã nói, lần này vật cần đoán nằm dưới cái nón to, không thể loại các vật to được. Tôi nghĩ: “hay xét thêm ý của quẻ xem sao”. Tiệm là tiến từ từ, và như có ai nhắc, trong đầu tôi chợt lóe lên: đồng hồ. Kim đồng hồ tiến từ từ, bằng kim loại, dây đồng hồ bằng da, dễ cháy. Thấy rằng có nghĩ thêm cũng không sáng hơn được, tôi bèn nói liều luôn: “đồng hồ đeo tay, có dây da”. Những tưởng sẽ nghe một tràng cười chế giểu, không ngờ bạn tôi dở nón lên, dưới nón là đồng hồ dây da thật và họ nhìn tôi thán phục.
Họ có yêu cầu tôi làm lần thứ 3 nhưng tôi chào thua vì biết rằng may mắn không thể lặp lại 3 lần. Bây giờ, có ai cá thách tôi làm như vậy nữa, tôi sẽ không nhận dù bây giờ kiến thức của tôi về ngũ hành vững vàng hơn trước nhiều. 

Tuesday, January 12, 2010

Linh hồn là gì?

Trong quyển “Thiền – Nghệ thuật của nhập định” có một câu hỏi dành cho Osho là “Thầy gọi linh hồn là gì? Có phải linh hồn chính là sự thức tỉnh hoặc là cái gì đó như là cá thể?”
Osho đã có câu trả lời khá hay, tôi xin trích đoạn và tóm lược như sau:

Phẩn thứ nhất là về linh hồn.
“Đã có 3 thái độ về vấn đề này:
Đâu tiên là những nhà huyền môn, nhưng người biết, họ đang hoàn toàn giữ im lặng về vấn đề này. Họ sẽ không đưa ra bất kỳ định nghĩa nào; họ nói định nghĩa là vô tích sự. Có nhóm huyền môn khác – nhóm lớn hơn – họ nói rằng, thậm chí, nỗ lực phù phiếm cũng trở nên hữu ích. Đôi khi lý thuyết sai cũng dẫn đến sự thật, đôi khi những điều sai trái cũng trở thành đúng, đôi khi những bước đi giả tạo cũng dẫn bạn đến kết cục có lý. Ở thời điểm nào đó nó có vẻ sai, nhưng phương kế sai lại có thể trở nên hữu ích.
Nhóm thứ 2 cảm nhận rằng, với việc giữ nguyên sự im lặng bạn vẫn tiếp tục nói một điều gì đó mà nó không thể nói lên điều gì. Và nhóm huyền môn thứ 2 đã có lý. Các định nghĩa đều phụ thuộc vào họ.
Và có nhóm thứ ba, họ là những người không im lặng mà cũng không định nghĩa. Họ chỉ định nghĩa toàn bộ vấn đề để bạn không bị ám ảnh với nó.
Đức phật thuộc nhóm thứ 3. Nếu bạn hỏi người rằng có hay không linh hồn, có hay không thượng đế, có hay không sự tồn tại bên ngoài cuộc sống, người sẽ từ chối.
….
Ba nhóm này luôn trong tình trạng tranh cãi, bởi vì người nói buộc phải cảm nhận rằng, những người giữ im lặng không có đủ lòng trắc ẩn, rằng họ phải nói một cái gì đó với những người không hiểu sự im lặng. Và những người định nghĩa thì họ đã định nghĩa bằng rất nhiều cách đến mức có nhiều sự tranh cãi về điều đó: sự tranh cãi buộc phải có đó”


Nhiều người có thể hiểu dễ dàng những dòng trên nhưng cũng có thể nhiều người khác thấy bối rối. Tôi xin giải thích thêm:
Chuyện linh hồn không thể giải thích rốt ráo bằng lời nhưng con người thì không ngừng thắc mắc. Một số hiểu rằng, người bình thường không sao hiểu cho đúng được, có giải thích thì người ta cũng hiểu sai lệch và có khi còn sinh ra lắm chuyện nguy hiểm, nên họ im lặng. Nhóm thứ 2 cũng hiểu như vậy, nhưng họ thấy là im lặng làm ngơ trước sự tìm kiếm, thắc mắc của mọi người là không đủ lòng trắc ẩn. Họ bèn đưa ra những định nghĩa dù biết là nó không hoàn toàn đúng. Thảng hoặc, họ đưa ra những lập luận mà thực chất là chẳng nói lên điều gì. Vì rằng không hoàn toàn đúng hoặc chẳng nói lên điều gì nên các thầy khác nhau đưa ra những định nghĩa khác nhau và các môn đồ sau này, tha hồ tranh cãi không dứt!

Giải pháp thứ 3 là làm như đức phật. Người không trả lời thẳng các câu hỏi này mà hướng dẫn người ta đi theo đường đạo để đến ngày nào đó, tự trả lời cho chính mình.

Phần thứ 2 của câu hỏi là về tính cá thể của linh hồn.
Đầu tiên phải giải thích tại sao lại có câu hỏi như vậy: theo Hindu, sau khi qua vô số kiếp mài dủa cho hoàn hảo hơn, người ta có thể hòa vào đại ngã, nghĩa là cá thể không còn nữa; theo phật, sau khi chứng đắc sẽ không còn chấp và phân biệt “ta” và “không ta” nữa. Chính vì lẻ này vấn đề cá thể của linh hồn được đặt ra.

Câu trả lời của Osho như sau:
“Bạn hỏi linh hồn có phải là cá thể. Đó là câu hỏi vô nghĩa, nhưng nó thích họp với bạn. Đó giống như câu hỏi của người mù (trong câu chuyện sau) hẳn muốn hỏi:
Người mù di chuyển với cây gậy. Anh ta không thể di chuyển mà không có nó: anh ta tìm kiếm và mò mẫm trong bóng tối bởi nó. Nếu chúng ta nói với anh ta về việc phẩu thuật mắt để mắt có thể nhìn thấy thì người mù sẽ hỏi một cách rất đúng chỗ rằng: “khi mắt tôi bình thường, liệu tôi có khả năng mò mẫm trong bóng tối với cây gậy này không?”
Nếu chúng ta nói “bạn sẽ KHÔNG CẦN cây gậy nữa”, anh ta sẽ không tin điều đó. Anh ta sẽ nói: “không có cây gậy này tôi không thể tồn tại, tôi không thể sống. Những gì bạn nói là không thể chấp nhận. Tôi không thể tưởng tượng chuyện đó, không có gậy, tôi không thể là tôi. Cái gì sẽ trở thành cây gậy của tôi? Đầu tiên hãy cho tôi điều đó đã!”

Thật sự, tính cách này giống như tính cách của cây gậy. Bạn đang mò mẫm trong bóng đêm cùng bản ngã, bởi vì bạn không có linh hồn; bản ngã này, “cái tôi” này đang mò mẫm bởi vì bạn không có đôi mắt sáng. Tại thời điểm bạn trở nên hoàn toàn sống động, bản ngã sẽ biến mất. Đó là một phần sự đui mù của bạn, một phần sự không sống động, một phần vô thức của bạn, một phần ngu dốt của bạn. Nó phải thực sự được bỏ rơi.”

Cho phép tôi được giải thích thêm là, nhiều người cảm thấy khó chịu với ý nghĩ không có bản ngã, không có một cá thể nào mang tên “tôi”. Họ tự hỏi “nếu tôi tan biến đi, bản ngã tan biến đi, thì có khác gì chết hoặc là biến mất vĩnh viễn”. Chú ý là nhiều người tìm đến tôn giáo vì không chịu nỗi ý nghĩ mình sẽ tan biến hoàn toàn khi chết; họ mong mỏi “trở thành” gì đó sau khi chết.

Ý kiến khác
Trong cuốn “Huyền thuật và các đạo sĩ Tây tạng” của bà Alexandra David Neel, vấn đề này cũng được đề cập tới nhưng có vẻ dịu dàng và dễ chịu hơn. Xin chép lại đoạn sau, bắt đầu từ trang 29 (bản in của nhà xuất bản Phương đông):
“Vì lý do nào đó, tôn giáo Tây tạng chú ý rất nhiều về cõi giới bên kia cửa tử, hầu như câu chuyện nào cũng đề cập đến cõi giới này. Quan niệm thông thường cho rằng linh hồn con người vốn bất tử và di chuyển qua muôn ngàn kiếp sống luân hồi để học hỏi và thay đổi. Điều này thật ra không đúng lắm vì phật giáo không hề chủ trương có một cái gì trường tồn, bất biến như linh hồn. Nói cho đúng hơn thì họ tin rằng cái “sinh lực” hay “sự sống” tạo ra bởi trạng thái tâm và sinh lý của một sinh vật đều do nhân duyên tạo thành và do nghiệp dẫn dắt đi trong sáu nẻo luân hồi.
….
Có nhiều lối giải thích khác nhau và nhiều lý thuyết về sự hiện diện của bản ngã nhưng tại Tây tạng cũng như mọi nơi khác, chỉ những bậc đạo sư hay giới trí thức mới có thể hiểu rõ và giải thích tường tận các điều này. Phần lớn dân chúng tin tưởng giản dị rằng con người sau khi chết sẽ đầu thai trở lại dưới một hình thức nào đó tùy theo hành động của đời sống hiện tại. Cái “năng lực di chuyển từ kiếp này qua kiếp khác” được diễn tả bằng danh từ “Yid Kyi Mampar Shespa” có phần đúng hơn là danh từ “linh hồn” (spirit) vì nó không đề cập đến một thực thể có tính cách trường tồn bất biến”

Theo tôi thì một số dịch giả Việt nam cũng đã dùng từ “Thần thức” để thay cho từ “linh hồn”.


Có một hiện tượng liên quan tời chuyện linh hồn là ma quỷ. Tây tạng là xứ sở của các huyền thuật. Các cao tăng Tây tạng cho rằng đó chỉ là phóng ảnh của tâm thức. Do đó, một người không tin có ma quỷ sẽ không nhìn thấy ma quỷ bao giờ. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng nếu như bạn đang đi trong rừng mà có con cọp nhảy xổ ra thì liệu đó là phóng ảnh hay là hiện hữu? Nó đang gầm rú kia và sắp xơi tái ta kìa!?
Thế nên, dù là phóng ảnh thì cái tư tưởng được tạo ra kia cũng có một sức mạnh riêng của nó và biết đâu, có thể nó cũng có đời sống riêng. Kết luận cho đoạn này, bà Alexandra Neel đã viết “Nói một cách khác, không những người ta phải đề phòng những con cọp mà họ đã phóng chiếu lên trong tâm thức mình mà còn phải cẩn thận đối với những con cọp tạo bởi những tư tưởng của người khác nữa.”

Cuối cuốn sách, bà Alexandra Neel đã kết luận về những huyền thuật siêu đẳng mà mình đã chứng kiến và kể lại trong cuốn sách, có đoạn như sau:
“Sức mạnh của tư tưởng có thể tạo ra “hình tư tưởng” hay một thực thể có sự sống riêng biệt, có thể hành động tùy theo mệnh lệnh của người tạo ra chúng, đó là căn bản của các phương pháp luyện âm binh. Vì việc tạo một hình tư tưởng trừu tượng không dễ dàng nên nhiều người đã phải xử dụng một vật hữu hình nào đó làm trung gian, đó là căn bản các bùa phép, linh đơn, nước thánh hay những linh vật phù hộ. …”

Để minh họa cho sức mạnh tạo ra bởi tinh thần, người Tây tạng thường truyền kể câu chuyện sau:
Một người lái buôn thường đi lại giữa Ấn độ và Tây tạng. Mẹ ông ta muốn con mình xin một viên xá lợi của thánh tăng mang về cho mình. Ông ta sau nhiều lần quên bẳng, khi về tới gần nhà nhớ ra và sợ mẹ mắng nên nhặt đại một mảnh xương nhỏ dọc đường gói lại cẩn thận đem về cho mẹ nói là xá lợi. Người mẹ hết sức mừng rỡ cho vào một bảo tháp vàng và đem lên hiến cho chùa. Dân trong vùng tin tưởng hàng ngày kéo tới cúng bái. Kỳ lạ thay, sau thời gian, viên xương đó cũng chiếu hào quang rực rỡ và tạo ra nhiều hiện tượng hết sức mầu nhiệm.

Bàn về hạnh phúc

Dưới đây là vài nghi nhận của tôi sau khi đọc quyển “Bàn về hạnh phúc” của Matthieu Ricard. Ông này là tiến sĩ sinh học người Pháp nhưng sau khi nhận bằng tiến sĩ đã bỏ tất cả qua Tây tạng học đạo và giờ đã ở đấy hơn 30 năm.

Cũng như những cuốn khác cùng chủ đề, tác giả đã dành nhiều trang sách nói về bản chất của đau khổ và chứng minh rằng, hạnh phúc là một cách sống mà người ta phải lựa chọn nó chứ không phải tìm kiếm ở bên ngoài. Ông đã có một diễn giải rất hay về những khoái cảm khi được thỏa mãn tham dục: Cái khoái cảm này giống như sự khoan khoái khi gãi ngứa. Tất nhiên là rất đã khi ngứa mà được gãi, nhưng càng gãi thì càng ngứa và đôi khi nó làm người ta gãi cho đến bật máu.

Xuất thân là nhà khoa học, ông diễn đạt những vấn đề gai góc của đạo học một cách sáng sủa mà lại không quá nôm na, sai lạc. Trong phần nói về “phá bỏ bản ngã” ông đã định nghĩa một cá thể gồm 3 phần: “cái tôi”, “con người” và “bản ngã”.

“Cái tôi” sống trong hiện tại, chính nó nghĩ “tôi đói”, “tôi đang tồn tại”. Đó là cái tôi thông qua kinh nghiệm hiện trạng của bản thân, cái tôi bản năng, cái tôi của “Ngã thức”.

Khái niệm “con người” rộng rãi hơn nhiều, nó là cái liên tục và năng động nối liền quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa. “Con người” cũng là tổng hòa các mối tương quan xã hội, thân thể, ý thức. Khái niệm về “con người tôi” này là lành mạnh nếu nó chỉ dừng lại ở mức khái niệm có tính ghi nhớ. Nó trở thành không lành mạnh nếu xem đó là thực thể tự chủ. Chỗ này khó hiểu, tôi xin mạn phép lấy ví dụ: “Tôi đã từng nghiên cứu lý số, từng xem cho nhiều người và được một số hoan nghênh” … đó là “con người tôi” như một bản ghi nhớ, nó không phải là thực thể. Nếu phát triển lên thành “tôi đã từng xem lý số rất hay và được kính trọng, tôi là cao nhân … và những gì tôi nói là chân lý …” thì thành mầm mống của đau khổ.

“Bản ngã” thì rắc rối hơn, nó là tổng thể không nhìn thấy được của chúng ta, là danh hiệu chung cho tất cả liên quan tới “tôi” như “tiếng tăm của tôi”, “tay chân tôi”, “gan ruột của tôi” … . Dù hết sức kính phục tác giả, tôi phải nhận là, ông ta cũng đã không làm sáng tỏ gì hơn một phần rất khó nhằn là chứng minh rằng, không tồn tại một cái gì như là cái “ngã” thực thể trong mỗi chúng ta. Ông ta chỉ chỉ ra được, cái ngã không có ở bất kỳ đâu trong chúng ta và chỉ là khái niệm nhưng được chúng ta nuôi dưỡng và tin tưởng là có thật. Tuy nói thì nghe dễ vậy, việc lãnh hội được điều này là vô cùng khó, mà chắc cũng khó lòng mà lãnh hội được chỉ qua con đường đọc sách đơn thuần.

Phần hay nhất của cuốn sách là phần nói về những nghiên cứu xã hội học để tìm hiểu mức độ hạnh phúc và những yếu tố ảnh hưởng tới nó.

Trong suốt 30 năm qua, có hơn 2000 công trình nghiên cứu về hạnh phúc tại hơn 70 quốc gia. Ruut Veenhoven đã tổng kết hầu hết các nghiên cứu và đưa ra 3 kết luận chính:
- Gen quyết định khoảng 50% khả năng hạnh phúc của một cá nhân.
- Những yếu tố như giáo dục, gia đình, xã hội có ảnh hưởng đến hạnh phúc nhưng không nhiều, chỉ vào khoảng 10 tới 15%.
- Phần còn lại là do thái độ và sự lựa chọn của chính cá nhân đó.

Trước tiên phải dừng lại và nói cho rõ là, để biết cái nào là do di truyền cái nào là do ngoại cảnh, người ta đã tập trung nghiên cứu các cặp sinh đôi. Những cặp sinh đôi cùng trứng có gen và môi trường nuôi dưỡng như nhau nếu được nuôi chung. Nhiều đôi, được tách ra từ nhỏ và sống với cha mẹ khác nhau thì là cùng gen nhưng khác môi trường nuôi dưỡng. Ví dụ như nghiên cứu của Tellegen, quan sát hàng trăm trường hợp sinh đôi được nhận nuôi riêng biệt, đã kết luận rằng, những đứa trẻ này có những đặc điểm tâm lý giống cha mẹ đẻ hơn (dù họ không nuôi chúng) cha mẹ nuôi. Hàng nghìn nghiên cứu tương tự đã được tiến hành và đã đưa đến kết luận như nêu ở trên.

Cái này cũng hết sức có ý nghĩa cho người học lý số. Những cặp song sinh, dĩ nhiên là không kể một xác suất rất nhỏ là sinh vào giao điểm 2 giờ, có cùng một lá số. Thế mà, theo nghiên cứu, gen chỉ quyết định 50%, 15% nữa là do môi trường, cũng có thể hiểu là cũng do vận số và có thể phát biểu lại là nếu cùng lá số, cùng môi trường nuôi dưỡng thì mới triệt buộc chưa đến 65% khả năng hạnh phúc, còn khoảng hơn 35% còn lại vẫn là do chúng ta lựa chọn và quyết định. Tỉ lệ này không phải nhiều nhưng cũng không ít. Tóm lại, trong khi cụm từ cải sửa số mệnh có thể chưa chính xác thì việc cá nhân có nhiều lựa chọn trong khuông khổ số mệnh là điều không còn nghi ngờ gì nữa (qua các nghiên cứu tâm lý học nêu trên).