Saturday, July 25, 2009

Về phật giáo

Ngày tết lại nhớ đến chuyện đi chùa và phật giáo. Vài lần trên forum có đả động đến phật học, mọi người tranh luận khá gay gắt, nhiều người còn nổi giận trái hẳn với tinh thần ôn hòa và nhẫn nhịn của nhà phật.
Tại sao có chuyện như vậy? Dù sao thì phật giáo cũng vào Việt nam cả nghìn năm rồi mà sao lại có những khác biệt lớn như vậy trong hiểu biết của mỗi người? Dưới đây tôi xin trình bày kiến giải của mình về hiện tượng này với hy vọng là người ta sẽ đỡ ngạc nhiên khi nghe ý kiến của người khác và đỡ gay gắt hơn khi tranh luận.
Đức phật đi thuyết pháp khoảng 2500 trước mà cố ý không để lại văn tự. Phật cho rằng “làm theo lời ta nói các người sẽ đến được đạo, nhưng lời của ta không phải là đạo”. Đã vậy, trước khi chết phật còn từ chối chỉ định người thay thế lãnh đạo tăng già và nói rằng những điều luật trước đây, nếu hội đồng tăng già thấy cần thì có thể thay đổi (Một trong những lời cuối cùng của phật: “Tất cả sự vật duyên hợp đều phải thay đổi; các con hãy chuyên cần để đạt giải thoát”) và mỗi người phải tự thấp đuốc lên mà chiếu sáng con đường của mình.
Chính vì những lẽ này, ngay đại hội lần đầu tiên sau khi phật nhập diệt mà mục đích chính là ghi lại giáo lý của phật thành sách, đã có nhiều ý kiến muốn thay đổi một số điều nhưng người có uy tín nhất thời đó là Ma-ha Ca-díp không đồng ý. Trong khoảng 600 năm sau đó, có vài đại hội tăng già nữa và các vị ấy đã bất đồng nhau sâu sắc.
Một nhóm chỉ muốn xem những gì phật nói là đã đủ và không cần thay đổi hay bổ sung gì thêm trong khi nhóm kia thì muốn phát triển thêm triết lý của phật và sửa đổi một số điều cho phù hợp với sự thay đổi của thời thế.
Nguyên nhân của đòi hỏi thay đổi là rất rõ ràng và cấp bách: theo đúng tinh thần của phật, mỗi người phải tự đi con đường của mình đến giải thoát, không ai giúp được cho ai hay “độ” được ai. Điều này làm cho việc truyền đạo và phát triển đạo thành quá khó. Nguyên nhân là số người có thể hiểu lời dạy của phật và tự tu thân quá ít, đa phần người ta đến với tôn giáo là do yếu đuối và cần nơi nương tựa tinh thần.
Chính vì lý do này mà phái canh tân (gọi là đại thừa hay bắc tông, còn phái kia là tiểu thừa hay nam tông) mới đưa ra khái niệm bồ tát, tức là những người có khả năng cứu độ, dẫn dắt người khác. Đồng thời, người theo đạo cũng không cần hiểu hết giáo lý của phật mà có thể thông qua một số nghi thức và giới luật mà … tiến từ từ theo dẫn dắt của chư tăng và … bồ tát!
Phái bắc tông phát triển mạnh và từ khoảng thế kỷ thứ nhất tới thế kỷ thứ năm sau công nguyên đã phát triển một nền triết học phật giáo đồ sộ. Các vị được coi là tổ của đại thừa như là Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân có vẻ như là những triết gia hơn là những nhà sư. Nhìn chung, những triết lý này, khó đọc, khó hiểu và nếu hiểu, chắc chắn nhiều người phải ngỡ ngàng vì tính triết lý nặng nề của nó. Nhiều khi thoạt nghe, người ta cứ tưởng đấy là triết học Hy-La. Rồi chính trong đại thừa cũng chia ra nhiều nhánh và mâu thuẫn nhau không ít. Trong số đó, hai nhánh bị xem là đi xa ra khỏi học thuyết của phật nhất là Thiền Tông và Kim Cương Thừa, lại trái ngược nhau nhất.
Ở Việt nam thì bắc tông từ TQ truyền xuống, nam tông thì từ phía tây nam truyền qua nên có cả hai dù nam tông ít phổ biến hơn.
Nam tông, tức phật giáo nguyên thủy hay còn gọi là tiểu thừa thì bám chắc vào những gì được ghi lại trong đại hội tăng già đầu tiên và theo đó mà tu tập. Họ không ăn chay. Tôi có dịp tiếp xúc nhiều với những vị tu theo tiểu thừa. Nhiều lần tôi hỏi họ tại sao không ăn chay nhưng ít khi họ trả lời một cách hàn lâm. Thường thì họ nói với một nụ cười “Tôi đố anh tìm được trong kinh điển của phật chỗ nào nói là cấm ăn thịt cá. Thậm chí không có từ ăn chay”. Tất nhiên là tôi không tìm được vì biết cái nào là kinh điển chắc chắn của phật. Có vị đưa ra một dữ kiện là vào thời đó, nhiều vùng của Ấn độ vẫn còn du mục mà thực phẩm chính là thịt và sữa, ngủ cốc rất hiếm. Mà đã khất thực thì người ta cho gì ăn nấy chứ. Dù cái lý này khá thuyết phục về mặt lịch sử nhưng rõ ràng trong xã hội của ta hiện nay, ăn mặn là khuyến khích sát sinh, mà cấm sát sinh thì không thể chối cãi là một giới rất nghiêm trong phật giáo. Một vài vị khác thì đưa ra lời phản bát đại khái là “thà ăn cái đùi gà mà tâm nghĩ là cái bắp cải còn hơn là miệng ăn chay mà tâm thì tưởng đến nào thịt quay, tôm, cá …”. Câu này nhằm chỉ trích thói quen hay làm các món chay nháy theo các món mặn của bên bắc tông (vào quán cơm chay là có đủ cả heo bò gà cá … làm giả từ ngũ cốc và thảo mộc). Tuy ý này rất tốt để phản bác bắc tông nhưng nói cho cùng nếu ăn bắp cải thì vẫn tốt hơn đùi gà vì như vậy sẽ đỡ sát sinh hơn. Ngoài ra, có một lý do không kém phần quan trọng để người tu hành phải ăn chay là “thực nhục dã dũng hản”, ăn thịt thì khí huyết bừng bừng, khó giữ giới hơn nhiều.
Đã vậy, theo giáo lý của nam tông, tuy không phải ăn chay nhưng chỉ được ăn một buổi vào giữa trưa mà thôi. Thực tế, nhiều nhà sư ăn cả ba buổi.
Kinh văn của nam tông, như nói ở trên là kinh cổ, khó đọc hơn những bài kệ có vần có điệu của bắc tông nhiều nên nhiều sư “ăn cơm nam đọc kinh bắc” hoặc đọc kinh mà không nhớ và không hiểu gì.
Bắc tông, tức đại thừa thì chẳng những phát triển nhiều triết lý mà còn nhiều truyện thần thoại và nhất là dung nạp rất nhiều tính ngưỡng bản địa vào phật giáo. Tam giáo đồng nguyên ở TQ là một ví dụ.
Câu chuyện được những tu sĩ bắc tông nhắc đến nhiều là chuyện đức phật thuyết phục em mình, là một vị hoàng tử đi tu khi sắp cưới vợ. Phật đã dùng thần thông đưa ông này vào cõi trời rồi hỏi ông: so với những tiên nữ thì nhan sắc vợ sắp cưới của ông ra sao. Ông này nói “chẳng khác nào bộ xương của con khỉ già”. Đức phật nói nếu ông chuyên cần tu tập thì sẽ có cơ hội tiếp cận các tiên nữ. Thế là từ đó, ông chuyên tâm tu học, đắc quả A-la-hán và tất nhiên không còn muốn cưới tiên nữ nữa.
Cái ý trong chuyện này là, tuy tham ái là nguồn gốc của khổ nhưng có thể dùng tham ái để dẫn dụ người ta vào đường tu. Khi người ta giác ngộ, tất nhiên sẽ không còn tham ái nữa. Ý tưởng thì như vậy, nhưng khi đem ra thực hành thì có nhiều ngộ nhận và sai lạc. Thế nên Nguyễn Hiến Lê trong quyển lịch sử thế giới, đã viết đoạn sau khi nói về đạo phật:
“Sau đạo càng ngày càng truyền đi càng sai lạc, thành một tôn giáo: người ta lập chùa, tô tượng, đúc chuông, đặt ra các chức hòa thượng, yết ma …! Giáo lý của Thích ca đã ít người thuộc, mà tới tượng của Thích ca cũng ít người biết tới, còn tượng Quan Âm, một nhân vật tưởng tượng thì rất được sùng bái. Thật ngược đời. Đáng nực cười nhất là có kẻ bỏ tiền ra thêu một ngọn cờ, treo ở chùa và tin rằng mỗi lần cờ phất trong gió là tụng được một bài kinh mà tụng được ‘vạn bài kinh’ như vậy, là được lên Nát bàn!”. Nhiều người hiện nay, đúng là không chú ý gì tới giáo lý, chỉ tin tưởng càng tạo nhiều công đức thì càng được phát tài và có tội, có nạn thì chỉ việc đi cầu bồ tát.
Trong khi cái phần truyền ra cho các tín đồ thì thô thiển như vậy, nhưng các vị cao tăng đại thừa thì triết lý hết sức thâm sâu. Và, vì triết lý dữ quá, nên không tránh khỏi nhiều chỗ kẹt và mâu thuẫn giữa các phái với nhau (thế mới hiểu tại sao phật chỉ nói đến thế thôi, không nói thêm). Ví dụ: trường phái duy tâm cho rằng, vì có cái nhiều nên mới có cái duy nhất, vì có cái hữu hạn nên mới có thể bàn về vô hạn, vì có khổ đau nên mới có niết bàn. Tất cả là do tâm phân biệt, biện giải mà ra. Cái nhìn tuyệt đối vượt trên cái tương đối là không có dài ngắn, tốt xấu, trần gian hay niết bàn cũng không có nốt. Các vị này nói nhiều về giấc mơ. Như khi nằm mơ, ta thấy cảnh nhà cháy lửa bén tới nơi, ta vật vả hoảng hốt, nhưng khi tỉnh mộng, ta biết đó chỉ là tạo tác của tâm và ta không còn hoảng sợ nữa. Phát triển đến đây, thì vấn đề là nếu tất cả là tâm tạo, cả chúng sinh đau khổ và niết bàn cũng là tâm tạo, thì cần gì đến bồ tát phải động lòng và cứu độ nữa? Họ lại lấy tiếp ví dụ là giấc mơ: Nếu ta trông thấy người bạn cùng giường đang mơ giấc mơ dữ, vật vả, la hét, ta biết rằng những điều mà họ đang thấy là không thật, nhưng cái đau khổ mà họ đang trải qua là thật, nên ta phải đánh thức họ dậy. Theo tôi thì lập luận như vậy cũng không xuôi, vì cái không thật và do tâm tạo chính là cái con người đang nằm mơ kia, nếu kẻ đang nằm mơ vật vả trước mắt ta là không thật, thì tại sao ta phải từ bỏ cái thanh tịnh của mình để quay lại làm bồ tát và đánh thức họ khỏi cơn mê?
Một chủ đề tranh cải triền miên giữa các phái là “Thức”, một trong Ngủ Uẩn. Những vị theo kinh điển xưa thì cho rằng Thức cũng do nhân duyên dã họp mà thành, không đóng vai trò gì trong luân hồi và tái sinh. Họ dẫn câu chuyên sau:
Một đệ tử phật là Sàti cho rằng: “Đấy (Thức) là cái diễn đạt, cảm giác và kinh nghiệm kết quả của những hành động thiện ác chỗ này chỗ kia”. Vị này liền bị phật quở trách: “Này kẻ ngu kia, người đã nghe ta giảng kiểu ấy cho ai vậy? Há ta không nhiều phen giải thích rằng do các duyên, thức sinh khởi, không có các duyên thì không có thức sinh khởi hay sao?”. Như vậy, phái này cho là phật phủ nhận thức có lưu giữ và là kết quả của nghiệp; Do duyên mà nó sinh khởi và diệt khi duyên dứt.
Thế mà, trong nhiều kinh sách của thiền tông và Kim cang thừa, thức đóng vai trò hết sức quan trọng, họ còn du nhập thuyết về Bát thức vốn có trong các truyền thống tôn giáo trước phật (mà sau này phát triển thành Hindu giáo): Trong Bát thức có A-lai-da thức, lưu trữ tất cả và tạo nên nghiệp lực, tái sinh và luân hồi.
Cùng là đại thừa, trong khi thiền tông thì không câu chấp nghi thức, chủ yếu là đạt được tâm an tịnh, bằng cách ngồi thiền hay bằng con đường thức tỉnh, sống trong từng hơi thở, thì kim cang thừa có qui trình tu tập cực kỳ phức tạp bao gồm nhiều nghi thức, hình tượng và bùa chú. Cách tu của Kim cang thừa phức tạp đến mức, tôi nghĩ rằng chỉ có những vùng hoang vu như quanh Hy mả lạp sơn mới thực hiện được mà thôi. Vậy mà hai trường phái này đều cho là mình thực hành “Trung đạo”.
Tóm lại, vì phật không muốn sa đà vào triết lý và giáo điều khô cằn mà chỉ chú tâm chửa các “con bệnh”, tùy “con bệnh”, phật đã không để lại một văn tự nào. Sau đó, các vị tăng tự “thấp đuốc” lên đi và nhân tiện cho ra vô số kinh sách. Những kinh sách này mâu thuẫn và phản bát lẫn nhau. Phần chính kinh đã thế, phần truyền ra cho quần chúng còn sai lạc hơn nữa. Đó là chưa kể những sách nữa truyện, nữa đạo như “Hành trình về phương đông”, “Đường xưa mây trắng” …. Cũng góp phần không nhỏ tạo nhiều hiểu lầm và sai lệch.
Nếu chúng ta thấy ngưỡng mộ lý tưởng từ bị và tinh thần minh triết của phật giáo thì một lần nữa chúng ta cũng phải tự đốt đuốc lên mà đi thôi, và tất nhiên, mỗi người sẽ tìm thấy con đường khác nhau, có thể không thuyết phục được ai nhưng nó phù hợp cho chính mình.

(Viết tiếp ngày 27/05/2009)
Trong bài viết lần trước tôi thấy mọi người ít quan tâm đến những khác biệt quan trọng giữa hai hệ phái chính của phật giáo mà quan tâm nhiều đến chuyện ăn chay hay ăn mặn. Sau đây, tôi xin đưa ra 2 trích dẫn trái ngược nhau về vấn đề này như là ví dụ cho chuyện tranh cải không dứt này:

Theo "Ngay Trong Kiếp Sống Nầy", Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch, Như Lai Thiền Viện, San Jose, Hoa Kỳ, 1996:

“Trong phần nói về thực phẩm này, tôi muốn đề cập đến vấn đề ăn chay. Nhiều người cho rằng chỉ ăn rau trái mới hợp đạo đức. Trong Phật giáo không hề có quan niệm ăn chay sẽ dễ giải thoát. Ðức Phật không hề cấm đoán việc ăn cá thịt. Ðức Phật chỉ quy định một vài điều kiện về việc ăn thịt cá. Ngài qui định phải ăn theo tam tịnh nhục: Tức là không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng kêu của con vật bị giết, không nghi con vật bị giết với mục đích giành riêng cho mình ăn. Ngoài ra Tỳ khưu phải cử ăn mười loại thịt như: thịt chó, thịt cọp, thịt rắn, thịt người v.v... điều này cho thấy Ðức Phật không cấm Tỳ khưu ăn thịt cá. Ðề-Bà-Ðạt-Ða có yêu cầu Ðức Phật đặt ra luật cấm ăn thịt cá, nhưng Ðức Phật sau khi thẩm định đã từ chối lời yêu cầu. Vào thời kỳ Ðức Phật cũng như ngày nay, phần đông ăn cá thịt và rau trái hỗn hợp. Chỉ có những người bà la môn, hay những người thuộc giai cấp cao trong xã hội Ấn Ðộ là ăn chay. Khi nhà sư đi khất thực để sống, nhà sư phải nhận mọi thứ thực phẩm của các giai cấp thí chủ khác nhau mà không được phân biệt, nhận của người này và từ chối người kia. Nếu phân biệt thức ăn chay, mặn thì trái với tinh thần khất thực này. Hơn nữa, để cho những người bà la môn và những người thuộc giai cấp khác đều có thể gia nhập tăng hay ni đoàn và không còn chấp trước vào thực phẩm nên Ðức Phật để ý đến sự kiện này khi quyết định vấn đề chay mặn. Như vậy, không cần phải tự thúc buộc mình vào việc ăn chay khi thực hành Thiền Minh Sát. Dĩ nhiên, có sự quân bình về rau trái và cá thịt sẽ có lợi cho sức khoẻ. Nếu bạn muốn ăn chay vì lòng từ bi thì đó cũng là một điều thiện. Mặt khác, nếu vì lý do sức khoẻ, nhất là cần phải có những chất bổ dinh dưỡng chỉ có trong thịt, cá, thì cũng cần nên ăn cá, thịt. Không có vấn đề tội lỗi trong việc ăn cá thịt; ăn cá thịt cũng chẳng làm hại hay cản trở gì trong việc hành Thiền Minh Sát. “

Theo bà Alexandra David Neel, trong cuốn Hành trình tới Lhasa, nhà xuất bản Tôn giáo năm 2006, từ trang 291:

“Về chuyện ăn thịt, đó là một điều đi ngược với tinh thần phật giáo, tuy người ta không thể tìm thấy trong các kinh tạng một bản văn mà nói rỏ sự cấm đoán này, và chuyện những thức uống gây say cũng vậy. Thế nhưng, những giới luật được đề cập mà có liên quan đến chuyện ăn thịt rốt cuộc lại trở thành nghiêm cấm chính thức, bởi chẳng có cách nào mà không phạm phải cả. Người phật tử được phép ăn thịt theo những nghiêm cấm như sau: Anh ta không được tự tay giết con vật đó, anh không được ra lệnh cho bất kỳ ai khác giết con vật đó, nó phải do ai đó giết nhưng người này không có ý làm vậy để cung cấp cho anh, anh phải không có sự nghi ngờ rằng con vật đó đã bị giết. Nếu hai nghiêm cấm đầu có thể dể dàng vượt qua được, thì nghiêm cấm thứ ba lại là điều gây cho người ta nhiều lúng túng; thế nhưng một số người lại phớt lờ được khi nại lý do rằng những tay giết mổ thịt bán đại trà cho công chúng, đâu có nhằm cung cấp cho nhu cầu của riêng ai đâu. Còn về nghiêm cấm thứ tư, phải nói rằng rất khó ăn được một miếng thịt mà không “tồn nghi” rằng con vật mình đang ăn là do đã bị giết! Thế nhưng nước nào cũng vậy, ở đâu mà chẳng có những người giỏi ngụy biện. Nhóm các nhà tu vui tính, trong các câu chuyện thời trung cổ, ở Lent mà đã rửa tội cho một “cái bánh” thịt gà đặng có thể ăn thịt nó một cách họp pháp là một ví dụ. Và các tâm hồn trào lộng phương đông cũng có thể dể dàng đưa ra nhiều lý lẻ biện hộ có lợi cho thói phàm ăn này!
……
Những người còn ăn thịt trong số những người theo đạo phật ờ Tích lan, Miến điện và Thái lan, như tôi đã nói, biện minh cho mình bằng khá nhiều giải thích phức tạp về các nghiêm cấm đã nói trên. Khi họ thọ pháp trong một tông phái nào, họ phải thể nguyền rằng không được phép chọn thức ăn mà mình khất thực được, và phải chấp nhận bất cứ thứ gì mà người có từ tâm đã cúng. Điều này hoàn toàn sai. Việc đi một vòng thật sự của các vị tì khưu (bhikshus) của ngày xưa giờ đây đang trở thành một chuyến đi bộ giả vờ, có tính chất nghi lể đến những nơi đã định để khất thực một bữa ăn vốn được nấu nướng riêng cho các vị sư sãi. Thêm nữa, họ cũng sẽ không cam nhận nếu thức ăn đó không tinh khiết, không lành mạnh khi người ta đổ vào bát hành khất của mình (hay vào những đồ đựng khác mà các chú tiểu của họ đi phía sau mang theo).
…………
Tuy nhiên, trước khi tiếp tục câu chuyện, tôi xin được nói thêm rằng, tuy thoạt nhìn thì thói quen ăn thịt đúng là gây ra cái chết non cho nhiều động vật, và có vẻ quan trong hơn là chuyện uống rượu, nhưng người Tây tạng thì lại cho rằng sự điều độ, tỉnh táo mới là quan trọng nhất cho sự tiến bộ của tinh thần và tâm linh. … Họ minh họa điều này bằng một câu chuyện thật thú vị: Một nhà sư nọ bị một con quĩ bắt phải chọn một trong 3 tội ác sau: Giết một con cừu, phá giới không sống độc thân nữa, hoặc là uống rượu mạnh. Nhà sư tội nghiệp kia, sau khi cân nhắc thiệt hơn, đã không chọn hai cái ác đầu, bởi nghĩ việc uống rượu sẽ có ít hậu quả hơn. Sau khi đã uống rượu xong, do hết sức hứng chí và đã mất tự chủ, anh ta đã ưa thích một phụ nữ, và cũng chính cái sự sai sưa này đã khiến anh ta đã giết con cừa để đải tiệc cho tình nhân của mình.”

Tôi cố gắng chép lại trong sách từng câu từng chữ nhưng chắc quí vị cũng thấy bản dịch cuốn sách này khá là tối tăm. Tôi nghĩ phải chú thích thêm như vầy: đành rằng không có kinh tạng nào cấm ăn thịt, nhưng có những điều cấm khi muốn ăn thịt. Những điều cấm này, quá khó thực hiện nên theo ý tác giả, thành ra cũng không khác gì là cấm. Trong các điều cấm liên quan tới chuyện ăn thịt, thì 3 điều đầu là khi con vật bị giết, còn điều thứ 4 là phải chắc rằng con vật không bị giết mà chết vì lý do nào đó khác.

Rỏ ràng là hai ý kiến này phản bát nhau chang chát. Nhưng tôi phải lưu ý các vị về đoạn cuối của đoạn trích dẫn của bà Alexandra Neel, bà cũng không cho rằng ăn thịt là một trọng tội. Bản thân bà, trong chính cuốn sách này cũng ăn thịt nhiều lần. Nghĩa là bà không hề ăn chay dù bà từng tu nhập thất và luyện thành công nhiều phương pháp yoga bí truyền của Tây tạng.

Ăn chay, theo tôi có 2 lý do chính, một là, để dể giữ tâm thanh sạch hơn, tránh tình trạng “no cơm ấm cật, rậm rật chân tay”. Hai là, để nuôi dưỡng tâm từ bi và giữ giới “BẤT SÁT”.
Trường họp của bà Alexandra Neel đã chứng tỏ rằng không ăn chai cũng có thể tỉnh tâm được, miễn là có đủ bản lỉnh và ăn vừa phải đúng theo tinh thần “trung đạo”. Còn vấn đề “bất sát” và từ bi thì ta hảy xem các nhà tu theo đạo jain (một tôn giáo có nguồn gốc từ Ấn độ, không phải hindu cũng không phải phật). Những nhà tu này, không mặc quần áo và sống trong rừng. Buổi tối, họ dùng khăn mỏng che miệng, mũi và tai lại vì sợ rằng có con vật nào đó chui vào và chết. Khi đi đứng, nằm, ngồi hay ăn họ đều quang sát kỹ xem có vô tình làm chết con vật nào không. Dĩ nhiên, họ không bao giờ đập ruồi hay muổi. Trở lại với hoàn cảnh sống của chúng ta, không kể những khi vô ý làm chết con vật nào đó, chúng ta khó mà giữ được như các nhà tu này. Chẳng lý nào ta không diệt muổi, dán, ruồi … Mà mỗi lần vung chai thuốc xịt lên, hàng chục hay hàng trăm con côn trùng ngã gục. Hoặc theo phản xạ mà đập muổi thì cũng phạm sát giới rồi.

Thế nên, theo thiển kiến của tôi, việc ăn chay là không nhất thiết. Tất nhiên, việc săn bắt các loại thú rừng và đập đầu chó để nhậu hay ăn thịt đồng loại thì người theo lý tưởng từ bi của phật dứt khoát không nên làm.

No comments:

Post a Comment